Thanh tra, giám sát quan lại – Kỳ 2: Lê Thánh Tông khảo hạch quan lại

Lê Thánh Tông khảo hạch quan lại, việc thanh tra, giám sát cũng như lấy tín nhiệm trong dư luận được tiến hành nghiêm túc đã tạo nên một triều đại hùng cường nhất trong lịch sử.

Hình minh họa.

Dò xét kỹ tư cách quan lại

Ngoài ra các cơ quan thanh, kiểm tra, triều đình còn có chế độ giám sát đặc biệt khác. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông quy định chọn ở sáu bộ, sáu khoa và sáu tự (sáu cơ quan giúp việc cho triều đình), mỗi cơ quan hai người có “hạnh kiểm” tốt về các đạo dò xét phẩm cách quan lại các địa phương, “xét hỏi cặn kẽ về sự đau khổ ở dân gian và chính sự địa phương tốt hay xấu”.

Khi phát hiện trường hợp quan lại tham ô, tham nhũng, triều đình sẽ cử quan lại có đủ năng lực và phẩm hạnh về địa phương điều tra, nếu quả là người có lỗi thì chiếu theo luật mà định tội.

Đối với quan lại ở địa phương, chính quyền Lê Thánh Tông đặt cơ quan giám sát ở 13 đạo có chức năng đàn hặc, kiểm tra, thanh tra quan lại: “Về chức trách hiến sát sứ và hiến phó sứ ở 13 đạo, thì chuyên giữ các việc trình bày lời nói phải trái, dò hỏi điều tra và đàn hặc những việc làm trái phép, thẩm cứu xét hỏi việc ngục tung của quan lại, đi tuần hành”.

Hàng năm hoặc bất thường ty Thừa, Hiến tiến hành kiểm tra, dò xét kỹ tư cách quan lại sau đó tâu lên: “Thừa, Hiến các xứ phải xét kỹ các quan trong bộ thuộc của mình, hạng liêm khiết, hạng tham ô, hạng siêng năng, hạng lười biếng… hàng năm có kén chọn để tiến công hay không tiến công, tiến công nhiều hay ít, đều phải kể tên những quan lại ấy tâu bày lên cho vua biết, để định sự truất bãi hoặc cất nhắc”.

Dựa vào dư luận của dân

Để bảo đảm tính công bằng, khách quan cũng như tạo điều kiện cho dân tham gia vào phòng chống tham ô, tham nhũng, khi thanh tra quan lại địa phương phải dựa vào dư luận của dân, coi đó là một tiêu chí để đánh giá mức độ liêm khiết của quan lại.

“Các quan vệ sở, phủ, châu, huyện bên ngoài nếu có người đẽo khoét quân lính, mọi hại dân, chỉ chăm làm lợi cho mình, không lo nghĩ đến phép nước… thì hai ty Thừa, Hiến đều phải công bằng xét xử tham khảo dư luận của mọi người, người nào trước kia có nhũng lạm tuy không có chứng thực, nhưng mọi người đều biết, cùng là người nào liêm khiết, không mắc thói tham ô, kê ra từng loại tâu lên cả, trao cho Giám sát ngự sử ở đạo đó thẩm tra lại, làm bản tâu lên, sẽ khu xử để tỏ rõ sự khuyến khích và trừng phạt”.

Căn cứ trên việc thanh tra, giám sát đối với đội ngũ quan lại của hai ty Thừa, Hiến cũng như dư luận của dân mà định bãi, biếm hay thăng chức cho quan lại. Chính vì thế mà quan lại luôn ra sức cố gắng, hết lòng vì nước, vì dân. Các biện pháp thanh tra, giám sát đối với đội ngũ quan lại dưới thời Lê Thánh Tông ít nhiều tỏ ra công hiệu.

Qua khảo hạch, thanh tra, giám sát cũng như lấy tín nhiệm trong dư luận về quan lại, về những việc họ đã làm. Xét thấy vị quan nào có tài đức, chính trực thì lựa chọn, cất nhắc lên những chức vụ cao hơn để tỏ rõ sự khuyến khích người tài năng, liêm khiết.

Nhà vua ra sắc lệnh, từ nay, Cấp sự trung trong Lục khoa và Giám sát ngự sử nếu có khuyết ngạch thì bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo… là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ.

Quan miền biên viễn, nếu là quan thanh liêm, không nhũng nhiễu dân chúng, hoàn thành tốt chức trách thì thuyên chuyển về nơi tốt hơn: “Phàm các quan viên giữ việc nơi biên viễn, lam chướng, người nào hết lòng vỗ về, thương yêu dân, không nhũng nhiễu về việc thúc giục tô thuế mà thuế vẫn đủ số, thì khi mãn hạn 6 năm chuẩn cho được đổi về chỗ thủy thổ lành”

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top