Xin nạo vét để được tận thu khoáng sản
Được biết, ngày 14/3/2014, Công ty TNHH Xây dựng Hùng Sơn (Công ty Hùng Sơn) có văn bản số 126/VB-CT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin đầu tư cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh tại xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn).
Trên cơ sở Báo cáo số 871/SNN&PTNT của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, ngày 6/5/2014, UBND tỉnh có văn bản số 3465/UBND-NN đồng ý Chủ trương lập phương án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận phương án cải tạo, nâng cấp đường vào hồ và nạo vét lòng hồ Khe sanh do Công ty Hùng Sơn lập. Đồng thời, giao Công ty Hùng Sơn làm chủ đầu tư tự bỏ vốn thực hiện và được tận thu phế liệu đất, cát để làm vật liệu san lấp.
Đến ngày 30/5/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa Chính thức Chấp thuận phương án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh.
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận phương án cải tạo, nâng cấp đường vào hồ và nạo vét lòng hồ Khe Sanh với thời gian thực hiện 5 năm. |
Mục tiêu của dự án là nạo vét hồ Khe Sanh để tăng khả năng trữ nước của hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 1A vào hồ tạo điều kiện đi lại và sinh hoạt cho dân cư sinh sống khu vực hồ và được tận thu phế liệu đất, cát từ nạo vét lòng hồ để làm vật liệu san lấp.
Ngoài ra, trong văn bản nêu rõ nạo vét lòng hồ trong phạm vi từ cao trình mực nước dâng bình thường 9.5m trở xuống với diện tích 17ha, khối lượng nạo vét khoảng 1,4 triệu m3 đất, cát. Cải tạo, nâng cấp đường bê tông từ Quốc lộ 1A vào hồ dài 1,355km. Dự án được thực hiện trong 5 năm từ 2014 – 2019.
Định kỳ 6 tháng và hằng năm, chủ đầu tư phải báo cáo kết quả thực hiện phương án cải tạo, nâng cấp đường vào hồ và nạo vét lòng hồ Khe Sanh với UBND tỉnh Thanh Hóa qua Sở NN&PTNT.
Tận thu đến bao giờ?
Mặc dù đã qua 7 năm thực hiện cải tạo, nạo vét, tận thu, nhưng Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Miền Tây Xanh (Công ty Miền Tây Xanh) vẫn muốn tiếp tục nạo vét lòng hồ Khe Sanh.
Có thể giải thích nguyên nhân do UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ quy định khối lượng nạo vét nhưng không phân kỳ và không có kế hoạch nạo vét theo từng năm, cho nên, khi hết thời hạn chủ đầu tư lại tiếp tục xin gia hạn thực hiện nạo vét.
Cụ thể: Ngay sau khi hết thời gian thực hiện quá trình nạo vét, ngày 15/01/2019, Công ty Miền Tây Xanh đã có công văn số 28/BC-CT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn lần 1 để thực hiện hết khối lượng và đảm bảo mục tiêu của phương án.
Ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 5024/UBND-NN chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án cho Công ty Miền Tây Xanh đến ngày 30/5/2021. Cùng với đó là tổ chức thi công, khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện phương án cải tạo, nâng cấp, nạo vét.
Dường như, sau 2 năm gia hạn, Công ty Miền Tây Xanh vẫn chưa thực hiện được mục tiêu của phương án. Do đó, Công ty Miền Tây Xanh tiếp tục có Tờ trình 06/BC-CT ngày 27/4/2021 và số 18/VB-CT ngày 21/5/2021 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện nạo vét lòng hồ Khe Sanh.
Ngay sau khi nhận được văn bản này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang có văn bản số 6896/ UBND-NN giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu đề nghị của Công ty Miền Tây Xanh; có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 31/5/2021.
Không rõ, sau 7 năm nạo vét tận thu, các hạng mục công trình, mục tiêu phương án đề ra đã được hoàn thiện ra sao? Đặc biệt, tuyến đường bê tông dài 1,355km được cải tạo nằm trong phương án này đang như thế nào? Trong các văn bản giao tham mưu của UBND tỉnh mà phóng viên hiện đang có thì không ghi nhận được những nội dung này?
Vậy cuộc sống của nhân dân quanh vùng lòng hồ này như thế nào, các phương tiện tận thu khoáng sản đang hoạt động ra sao? Đó là nội dung KH&ĐS sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc!