Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Tháo “điểm nghẽn”, thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Thảo luận tại tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công hết sức cần thiết trong bối cảnh tình hình giải ngân đầu tư công cả nước chưa đạt như kỳ vọng, với mục tiêu năm 2024 đạt năm nay 95%. Những góp ý của các đại biểu vào dự thảo Luật giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho công tác đầu tư công nói chung, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án nói riêng.
|
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái. |
Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là vấn đến khó khăn vướng mắc gặp phải đối với các dự án đầu tư công, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các dự án.
Từ kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, việc bố trí vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tập trung thay cho việc bố trí vốn cụ thể cho từng dự án đã thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo việc giải ngân thanh toán được kịp thời và linh hoạt.
Vì thế, đại biểu đề xuất xem xét bổ sung thêm nội dung tại Điều 55 Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án, thêm nội dung bố trí kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cần được thực hiện với tất cả các dự án, chứ không theo từng nhóm như dự thảo Luật quy định. Bởi dự thảo Luật còn ràng buộc “trong trường hợp cần thiết”.
“Vậy cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm của cụm từ này, cần thiết về thời gian, sự đồng thuận của người dân hay nội dung gì”, đại biểu nêu ý kiến.
Người đứng đầu có quyền quyết định xây dựng công trình khẩn cấp
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nêu ý kiến về khoản 2 Điều 47 Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp của dự thảo luật về Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh). Ảnh: Mai Loan. |
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp với Điều 130, Luật Xây dựng số 62/2020. Theo đó, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền quyết định việc xây dựng đối với công trình khẩn cấp thuộc phạm vi quản lý.
Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng để tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.
“Điều này để phù hợp với Điều 130, Luật Xây dựng số 62/2020 để thống nhất nội dung triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả nhanh nhất (từ thực tiễn về khắc phục cơn bão số 3 YAGI vừa qua”, đại biểu phân tích.
Cân nhắc việc quy định “đàm phán, ký kết điều ước quốc tế..."
Góp ý Dự thảo Luật, đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên) quan tâm tới nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án, dự kiến mức vốn bố trí cho từng chương trình, nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước (Điều 62).
|
Đại biểu Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Quốc Luân. |
Tại khoản 2 Điều 62 quy định: “Phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, phù hợp với khả năng và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đáp ứng với các yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài”.
Tuy nhiên, theo đại biểu, khoản 1 Điều 36 Luật Quản lý nợ công quy định một trong các điều kiện được vay lại là UBND cấp tỉnh phải đáp ứng “Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Quy định này của Luật Quản lý nợ công là nhằm đảm bảo dự án đã được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn khi đàm phán, ký kết và có thể triển khai rút vốn ngay sau khi ký, không phải chờ việc bố trí kế hoạch có thể là nguyên nhân của việc chậm giải ngân và phát sinh các chi phí vay vốn.
"Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc quy định “đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đáp ứng với các yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài” tại dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất với Luật Quản lý nợ công", đại biểu cho hay.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Các ý kiến đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung nhằm để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những chính sách mới, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi áp dụng.