Chính sách cần khuyến khích người lao động
Hiện nay, theo quy định hiện hành, sau khi nghỉ việc 1 năm, nếu người lao động rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, mỗi năm tham gia BHXH được tính bằng 1,5 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 về trước và 2 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 tới nay. Tuy nhiên, mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH và đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng BHXH.
Về đề xuất này, chị Nguyễn Thúy Phượng, công nhân tại một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, hiện nay công việc ổn định nên chưa bao giờ chị nghĩ đến việc sẽ rút BHXH một lần, tuy vậy nếu đề xuất này được đưa vào Luật BHXH sửa đổi thì quá thiệt thòi cho người lao động. “Hằng tháng người lao động đóng BHXH 8%, doanh nghiệp đóng cho 18%. Tính ra số tiền đóng BHXH cho người lao động một năm là hơn 3 tháng lương. Nếu rút BHXH một lần chỉ được hưởng có 1 tháng lương thì quá thiệt. Không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện về sức khỏe để chờ và được hưởng lương hưu. Có những người thời gian đóng còn lại quá dài, mà công việc phải thay đổi nên họ không thể tiếp tục theo. Do đó, chính sách cần khuyến khích họ theo tiếp chứ không phải giảm quyền lợi của người ta một cách cơ học thế này được”, chị Phượng nói.
Anh Lê Văn Hòa, nhân viên hợp tác xã vận tải tại Bình Dương nêu quan điểm: “Theo tôi, không nên đổi Luật BHXH, vì thay đổi là rất thiệt thòi cho người lao động, giảm xuống 50% thì dần dần người lao động sẽ không ai muốn tham gia BHXH nữa. Rất mong các nhà làm luật hãy đi sâu đi sát vào người lao động và người tham gia BHXH trước khi ban hành luật, vì các bác chỉ ở trên lý thuyết thôi, còn trong thực tế các bác có hiểu cho những người lao động lam lũ vất vả khi nghỉ việc mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Người ta muốn rút tiền BHXH đấy để lo cho gia đình cuộc sống của họ. Nay, các bác lại còn muốn giảm đi vậy sau này có mấy người muốn tham gia BHXH nữa".
Anh Phan Văn Hải, quản lý công ty may mặc xuất khẩu trên địa bàn quận 12, TPHCM cho rằng, đây không phải là phương án để hạn chế người lao động ra khỏi hệ thống BHXH. Anh Hải lý giải, với công nhân may, đa số đều là những người có điều kiện còn nhiều khó khăn. Khi họ không còn điều kiện để gắn bó với nghề nữa, sau 1 năm nghỉ việc mà không tìm được việc làm thì có giảm bao nhiêu họ cũng phải rút, vì họ đang rất cần tiền để trang trải cuộc sống.
“Tôi sợ rằng khi đa số công nhân mà đọc được đề xuất này, chỉ được hưởng có 1 tháng lương bình quân/năm khi rút BHXH một lần thì sẽ có không ít công nhân sẽ đề nghị không tham gia BHXH nữa bởi không ai biết mình có theo được BHXH đến 35 năm không. Mà tham gia thì khi cần rút ra lại quá thiệt thòi. Lúc này lại thành tác dụng ngược. Xây dựng luật không nên ép buộc mà phải tìm cách để người lao động gắn bó với hệ thống BHXH”, anh Hải chia sẻ.
Nếu giảm theo đề xuất sẽ gây sốc cho người lao động. |
Đề xuất “không ổn”
Theo các chuyên gia lao động, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH một lần của người lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thực trạng người lao động rút BHXH một lần hiện đang tăng rất cao cho nên các giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, góc độ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ. Tuy nhiên, giải pháp giảm quyền lợi của người lao động “sốc” thế này thì không ổn.
“Đây mới chỉ là đề xuất nhưng nếu giảm thế này thì gây sốc cho người lao động bởi nó ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi của người lao động. Cần có nhiều giải pháp, nếu có tính đến phương án giảm thì cũng cần tính toán có lộ trình hoặc giảm ở mức độ nào đó hài hòa. Làm chính sách mà tạo ra những cú sốc thế này thì không được. Muốn triệt tiêu tình trạng người lao động rút BHXH một lần thì phải áp dụng nhiều giải pháp chứ không chỉ nhăm nhăm giảm chế độ”, ông Quảng nói.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định, số tiền người lao động đóng vào Quỹ BHXH là tiền trích ra từ lương hằng tháng của người lao động. Quỹ BHXH chỉ là cơ quan quản lý, giữ hộ tiền cho người lao động. Thế nhưng, quỹ BHXH lại chỉ trả lại cho họ có 50% là vô lý. Đây là tiền người lao động gửi BHXH giữ hộ, sau này về già người ta có khoản tiền để bảo đảm cuộc sống chứ không phải là của BHXH ban cho. "Để người lao động không ra khỏi hệ thống BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội thì phải có các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện thu hút người lao động tham gia nhiều hơn nữa. Còn đằng này tìm cách cắt giảm quyền lợi của họ thì làm sao gọi là khuyến khích được?", PGS.TS Vũ Quang Thọ bày tỏ.
Liên quan đến đề xuất này, trong báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Tư pháp khuyến cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật BHXH năm 2014, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ BHXH một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động. Từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý...