Thành công từ ghép thận không cùng huyết thống mở cơ hội sống cho nhiều người
Ngày 28/5, lần đầu tiên BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã đã thực hiện thành công ca ghép thận từ người cho không cùng huyết thống. Người bệnh là anh Lê Viết T. (40 tuổi ở TP Thanh Hóa) nhập viện, chạy thận tạo chu kỳ ba lần/tuần tại bệnh viện theo phác đồ điều trị suy thận giai đoạn cuối, do viêm cầu thận mạn.
Trước đó, ngày 22/2, BVĐK tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (18 tuổi ở huyện Nga Sơn) bị tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có khả năng chết não. Sau thời gian hồi sức tích cực, nhưng do chấn thương nặng, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã chết não, gia đình đã quyết định hiến tạng của bệnh nhân. Ngay sau đó, Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để kiểm tra, xác định đủ điều kiện hiến tạng nên đã tiến hành lấy tạng của bệnh nhân. Từ nguồn tạng hiến tặng này, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã được thực hiện thành công ca ghép thận. Đây là ca ghép thận từ người cho chết não thứ 2 được thực hiện thành công tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, từ nguồn tạng hiến tặng này đã có 3 ca ghép tạng khác, gồm 1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan, 1 ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
TS.BS Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu – Trưởng kíp phẫu thuật ghép thận, BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết, sự thành công của các ca ghép thận từ người cho chết não và người không cùng huyết thống đã khẳng định BVĐK tỉnh Thanh Hóa làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhân có bệnh lý thận giai đoạn cuối đang ngày càng gia tăng. BVĐK tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện ghép thận từ người cho chết não và việc ghép thành công ở người không cùng huyết thống.
Thăm khám cho bệnh nhân sau ghép thận trước khi ra viện. |
Chuyển giao kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh
BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết, thành công của ca ghép thận này là nhờ sự chuẩn bị rất kỹ của bệnh viện trong dự án “chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận, triển khai ứng dụng kỹ thuật mới trong khám và chữa bệnh...” từ năm 2016 đến nay. Theo đó, ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị, xây dựng phòng mổ lấy ghép thận đạt chuẩn... Bệnh viện đã cử 46 cán bộ (trong đó có 30 các bác sĩ của các chuyên khoa) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức học tập với tổng số 12 lớp, mỗi lớp từ 3 - 6 tháng.
Được biết, sau 3 năm tích cực chuẩn bị Dự án “Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ ghép thận” và 2 năm triển khai tiếp nhận đào tạo chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận từ người cho sống của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào ngày 29/6/2018. BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hoàn thiện các quy trình kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho chết não, đã chủ động được kỹ thuật ghép thận từ người cho sống cùng huyết thống và không cùng huyết thống, được công nhận là cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống, người cho chết não. Từ đó đến nay, đến nay đã có 9 ca ghép thận được thực hiện thành công tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa.
TS.BS Trương Thanh Tùng, Trưởng kíp ghép thận cho biết, ghép thận được thực hiện nhiều ở tuyến TƯ nhưng ở tuyến tỉnh có rất ít bệnh viện thực hiện được. Ghép thận rất tốt cho bệnh nhân với tỷ lệ sống trên 1 năm là 95%. Tỷ lệ thận ghép còn hoàn động sau 5 năm là 70 – 80%. Sau 10 năm còn khoảng 50 – 60%. Sau ghép thận, bệnh nhân có cuộc sống lao động bình thường 75%, đặc biệt là đã có nhiều trường hợp kết hôn và sinh con sau khi ghép. Người cho thận cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe, bởi theo cơ chế bù trừ một quả thận vẫn có khả năng hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, số bệnh nhân được ghép vẫn chưa nhiều, nhiều bệnh nhân vì không có ngồn thận ghép đã phải tử vong. Nguyên nhân của tình trạng này là do không có người cho thận, hoặc người cho không phù hợp...
Việc triển khai ghép thận ở các Bệnh viện tuyến tỉnh trong đó có BVĐK tỉnh Thanh Hóa - nơi thực hiện thường quy, bài bản với tỷ lệ thành công cao sẽ giúp người bệnh sớm tiếp cận và được thụ hưởng các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu ngay tại địa phương, giảm chi phí khi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương điều trị và giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương.