Thân Văn Nhiếp – vị quan cương trực – kỳ 3: 7 lần dâng sớ

7 lần dâng sớ góp ý với Vua Tự Đức. Đặc biệt năm 1868, Thân Văn Nhiếp dângsớ về việc tiêu dùng xa xỉ và làm Khiêm Lăng.

Khiêm lăng.

7 lần dâng sớ

Ngày 5/6/1862, triều đình Huế cắt nhượng ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho Pháp và thông tư cho quân thứ phải qua tỉnh Vĩnh Long mà chờ lệnh vua. Lúc này, Thân Văn Nhiếp không đi tiếp con đường của nghĩa quân như Tuần vũ Đỗ Quang, quản cơ Trương Định mà trở về Vĩnh Long nhận lệnh của triều đình.

Về đây, không phải ông sợ chết hay giảm ý chí chiến đấu, nhưng vì ông nặng ý thức trung quân do vậy đã hạn chế sự nghiệp của ông.

Dưới thời phong kiến, việc tham gia góp ý cho nhà vua không phải ai cũng dám làm, nhưng Thân Văn Nhiếp đã có tới bảy lần góp ý đối với nhà vua. Năm 1858, khi làm Tổng đốc Bình Phú, ông dâng sớ xin vua cấm nha phiến, không nên cho buôn bán mà đánh thuế, ông đã tâu đi tâu lại hai ba lần nhưng vua không nghe.

Năm 1866, ông dâng sớ xin nhà vua thân hành đi tế Nam giao, không nên cử khâm mạng đi thay: “Vua mà tế trời như con tế cha mẹ. Nếu tế cha mẹ mà con không đứng lễ, biểu người đầy tớ làm thay thì linh hồn cha mẹ chắc không bằng lòng rồi sự cúng tế hóa ra vô ích”. Vua Tự Đức phải có lời thanh minh vì lý do sức khỏe của mình.

Vì can mà chết cũng không dám tiếc

Năm 1868, Thân Văn Nhiếp dâng sớ về việc tiêu dùng xa xỉ và làm Khiêm Lăng: “Nhà thủy tạ hứng mát, tạm thời tiêu khiển mà kéo dài tới hàng tuần, vườn sau đua ngựa, dầu rằng tập khó nhọc, học nghề võ mà thực thì rong ruổi làm vui…

Gỗ cây hết, đặt giá mua của dân thì giá hạ, dân càng tỏ ra quẫn bách, sức binh mỏi thì không thể không trốn tránh… Lại gần đây mua hàng hóa của nước Thanh (Trung Quốc), hàng năm kể đến bạc vạn, hỏi han đồ châu báu khắp các tỉnh.

Nay xin triệt nhà thủy tạ, hủy vườn hậu phố, mà chẳng cần ngựa hay, bỏ việc đặt giá mua để thư sự đau khổ cho dân, xua con hát để tăng nghe được đoan chính. Thần cúi thấy thế sự ngày nay là thế nào? Bờ cõi cũ chìm mất, giặc Bắc tràn lan, nắng lụt gió bão, chỗ nào cũng có tai biến, sức kiệt của hết, dân không lấy gì mà sống được. Lòng người ở nơi gần kinh kỳ náo động, loạn lạc nổi lên, cái thế an nguy thật không chỉ trăm mối lo mà thôi.

Thế mà công việc hậu sự tha hồ xa xỉ, làm ngôi Vạn Niên Cơ so với lăng Thiên Thụ không những tốn gấp 10 lần, mà như ngói đen mua ở Hạ Châu, giày trò chơi ma ở nước Thanh, đàn Tây dương, vải Tây dương. Lại khi tuần hành, cung mã chèo thuyền, đó là điều từ trước tới giờ chưa từng có…

Hoàng thượng, ngày thường vẫn mong bắt chước như Văn đế, thế mà hiện nay hành động lại trái ngược quá. Cho dân lao khổ để làm vui, vung tiền của để làm thích… Bệ hạ có nước mà không biết thương, thì tiểu nhân, nếu vì can ngăn mà chết thì cũng không dám tiếc”.

Thân Văn Nhiếp đã phụng sự đất nước 30 năm, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thực dân Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn suy yếu, vua Tự Đức không có tầm nhìn chiến lược canh tân tự cường, quần thần thì nhiều kẻ cơ hội chủ hòa thất bại.

Trong hoàn cảnh ấy, mặc dù tinh thần trung quân đã có một phần hạn chế sự nghiệp của ông, nhưng đối với tài thao lược, tính cương trực và quan điểm chăm lo bồi bổ sức dân của Thân Văn Nhiếp luôn làm chúng ta khâm phục.

Tuấn Trịnh

Theo Đời sống
back to top