Thảm siêu thấm dễ thành ổ vi khuẩn
Nước tự bốc hơi, không cần giặt!
Tại một số siêu thị và trên các trang mạng bán hàng gia dụng, sản phẩm thảm cứng siêu thấm hút thần kỳ Nhật Bản được bày bán khá nhiều. Theo quảng cáo tại trang mạng xã hội facebook Thảm cứng siêu thấm Nhật Bản thì chỉ trong 10 giây lau chân vào thảm, chân sẽ khô ráo ngay.
Thảm thấm hút nước và tự khô siêu nhanh mà không cần phơi. Ưu thế vượt trội của thảm giúp người dùng tiết kiệm thời gian, thuận tiện sử dụng với tiêu chí 3 không là không cần giặt rửa, không mùi, nấm mốc, bọ rệp và không trơn trượt. Nước ngấm vào thảm và đi đâu?
Nước sẽ ngấm nhanh vào thảm và đồng thời bay hơi cực nhanh ra môi trường bên ngoài. Vì thảm được làm từ vật liệu chính là hóa thạch diatomite nên thấm hút cực nhanh do trong mỗi một mẩu nhỏ diatomite có hàng triệu các ống nhỏ thẳng đứng kích thước siêu nhỏ chỉ 0.1 – 0.2µm (micrômét), do hoá thạch hàng triệu năm của các loài tảo cát tạo thành.
Nước trên bề mặt của thảm sẽ được thấm qua các lỗ thẳng đứng ngay lập tức và đồng thời cũng bốc hơi vào không khí. Vì thế, bề mặt thảm luôn khô ráo, không có chỗ cho nấm mốc và bọ rệp trú ngụ. Thảm cứng siêu thấm này có giá là 700.000đ/tấm cỡ L (60 x 39 x 0.9cm) và 600.000đ tấm cỡ M (45 x 35 x 0.9cm).
Thảm lau chân tốt nhất là nên sử dụng các loại sợi bông dễ thấm hút, dễ giặt và mau khô, không nên sử dụng những loại vật liệu chỉ đơn thuần mang tính chất quảng cáo để bán hàng mà không rõ nguồn gốc chúng ra sao, GS Dương Đức Tiến
Trao đổi với KH&DS, GS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ Đời sống và Sản xuất bày tỏ sự ngạc nhiên rằng đây là “chuyện không thể tin được”. Bởi hóa thạch diatomite là trầm tích thuần khiết của tảo silic, xuất hiện ở đáy biển và miệng núi lửa. Hóa thạch diatomite được ứng dụng chủ yếu trong y học, công nghiệp, sử dụng làm thuốc súng không khói, sử dụng làm các sắc khí bản mỏng để xác định thành phần hóa chất hay làm các màng lọc trong y học.
Khi tảo silic lắng tụ trong nhiều năm ở đáy biển hoặc miệng núi lửa thì tạo thành hóa thạch diatomite. Phải mất hàng vạn, hàng triệu năm mới hình thành các hóa thạch này nên nó có giá thành vô cùng đắt đỏ và cũng chỉ sử dụng trong những lĩnh vực đặc thù. Việc có hóa thạch diatomite để làm các thảm chùi chân là chuyện ông chưa từng nghe thấy và rất ít cơ sở để tin.
Tảo hóa thạch cực hiếm
Theo GS Dương Đức Tiến, hóa thạch tảo silic rất đắt và quý, chúng có thể so sánh với vàng. Ở Việt Nam, vùng Tây Nguyên có các trầm tích núi lửa nên cũng có thể tồn tải hóa thạch diatomite, nhưng việc khai thác chúng không hề dễ dàng nếu không nói là cực kỳ khó. Bởi thế mà cho đến giờ cũng chưa có phương pháp nào tính đến việc khai thác.
Việc quảng cáo tấm thảm lau chân từ hóa thạch diatomite gần như là chuyện không tưởng. Có thể ở đâu đó có công nghệ phát triển, có thể tạo ra hóa thạch diatomite trong phòng thí nghiệm hay ở đâu đó mà tôi không biết.
Nhưng hóa thạch diatomite theo đúng khoa học ghi nhận được và theo nghiên cứu về tảo nhiều chục năm của GS Dương Đức Tiến thì không có chuyện nhiều và phổ biến như thế để làm đồ gia dụng.
“Lấy đâu ra mà lắm hóa thạch diatomite thế? Nếu có chăng thì đó là hóa thạch của các loài tảo khác nằm ở lớp trầm tích ở đáy biển, dạng hóa thạch không thuần khiết.
Nhưng ngay cả như thế thì cũng rất khó tin vì việc khai thác các lớp trầm tích này không phải là việc dễ dàng. Tính năng, tác dụng của chúng trong việc thấm hút nước nhanh cũng rất khó nói.
Hơn nữa, một tấm thảm lau chân dù có thấm hút tốt đến mấy, nếu không được giặt giũ, phơi nắng thì cũng có khả năng là ổ trú ngụ của vi trùng, vi khuẩn. Vì thành phần “lau chân” không chỉ có nước mà còn có các chất khác, bụi bẩn… Nếu bảo tôi có sử dụng loại thảm này không, chắc có lẽ là không”, GS Dương Đức Tiến nhấn mạnh.
Bảo Khánh