Giá nước cao do tổng mức đầu tư lớn
Như đã biết, ngày 5/9/2019 Tập đoàn Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống đã chính thức khánh thành Nhà máy Nước mặt Sông Đuống giai đoạn 1 tại huyện Gia Lâm tổng công suất lên đến 300.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư đến 5.000 tỷ đồng (225 triệu đô la Mỹ).
Đây là một dự án cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn hứa hẹn đủ cung cấp nước cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận để dần thay thế nguồn nước ngầm được cho là đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Tuy nhiên, nếu so sánh với giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đà thì giá của Nhà máy nước mặt sông Đuống đang được tạm tính cao gấp đôi. Cụ thể, thời điểm hiện nay giá mua buôn nước sạch sông Đà là 5.069,76 đồng/m3. Nhưng, giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống TP Hà Nội là 10.264 đồng/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 7%/năm (14 năm).
Theo giải thích của bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống thì đây chỉ là giá nước tạm tính, giá nước chính thức sẽ được UBND TP Hà Nội quyết định cụ thể. Việc giá nước Nhà máy nước mặt sông Đuống cao hơn Nhà máy nước sạch sông Đà là do tổng mức đầu tư dự án lớn và áp dụng với công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ thêm các quy định về giá và phân phối tới người dân. Theo quy định hiện hành, UBND TP Hà Nội có thẩm quyền phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt đến từng hộ gia đình, cá nhân. Còn giá bán buôn theo sự thỏa thuận giữa đơn vị bán buôn và đơn vị bán lẻ. Trong trường hợp giá bán buôn cộng chi phí lưu thông của đơn vị bán lẻ vượt quá giá bán nước sạch do TP Hà Nội quy định thì Đơn vị cấp nước được bù từ ngân sách TP Hà Nội.
Tức là giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đến với người dân sẽ thông qua giá bán buôn từ các nhà máy nước với các đơn vị bán lẻ trên cơ sở thỏa thuận và giá bán đến từng hộ dân do UBND TP Hà Nội quyết định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Nhà máy nước mặt sông Đuống đã có hợp đồng, cam kết bán buôn nước mặt sông Đuống với một số doanh nghiệp trực thuộc TP Hà Nội để các đơn vị này phân phối tới người dân. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết đến nay giữa Công ty CP nước mặt sông Đuống và các đơn vị này chưa thể thống nhất được giá nước (giá bán buôn) do giá cao hơn so với giá nước ngầm mà các đơn vị này đang khai thác.
Ngoài ra vấn đề về giá nước, đầu tháng 01/2019 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND TP về việc xem xét phương án tạm thời cấp bù kinh phí khi dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động. UBND TP Hà Nội đã ghi nhận và thống nhất phương án theo đề nghị của Công ty CP nước mặt sông Đuống cam kết chỉ nhận số tiền cấp bù từ ngân sách theo quy định tại thời điểm dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống có quyết định chính thức.
Có "kênh" phân phối nước đến người dân qua các công ty con |
Từ A đến Z
Mặc dù, thực tế giữa Tập đoàn Aqua One, Công ty sông Đuống và các nhà doanh nghiệp Hà Nội phân phối nước tới người dân đang còn những vướng mắc về thỏa thuận giá nước, như lời bà Liên nói. Nhưng Tập đoàn Aqua One còn có một “kênh” khác để phân phối nước mặt sông Đuống tới tận người dân, tức là làm từ A đến Z. Với phương án này có lẽ những vướng mắc về thỏa thuận giá bán buôn sẽ được giải quyết tuyệt đối.
Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên KH&ĐS, ngày 17/08/2017 Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống góp vốn thành lập đồng loạt 03 doanh nghiệp với loại hình Công ty TNHH hai thành viên: Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm; Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thanh Trì và Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Aqua One và Công ty sông Đuống lần lượt là 70%, và 30% tại mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2019 cả 03 doanh nghiệp này đồng loạt đổi thành loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần với tên gọi là: Công ty CP kinh doanh nước sạch số 1 Aqua One, Công ty CP kinh doanh nước sạch số 2 Aqua One và Công ty CP kinh doanh nước sạch số 3 Aqua One.
Đặc biệt hơn nữa trong cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp này đều “triệt thoái” hoàn toàn Công ty CP nước mặt sông Đuống thay vào đó là các cá nhân Đỗ Thị Kim Liên và Đỗ Tất Thắng (SN 1974).
Như vậy, lúc này bản chất Công ty CP kinh doanh nước sạch số 1 Aqua One, Công ty CP kinh doanh nước sạch số 2 Aqua One và Công ty CP kinh doanh nước sạch số 3 Aqua One đã trở thành các Công ty con của Tập đoàn Aqua One.
Về cá nhân cổ đông lạ “Đỗ Tất Thắng” cũng nắm giữ 35% cổ phần tại mỗi công ty kinh doanh nước Aqua One. Ông Đỗ Tất Thắng và bà Đỗ Thị Kim Liên được biết đến là những người cùng quê gốc tại Vĩnh Phúc và cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Dịch vụ công nghiệp ô tô Việt Nam - AAA Bắc Ninh.
Khi được hỏi về thông tin này bà Đỗ Thị Kim Liên xác nhận, đã thành lập các công ty mạng lưới phân phối nước sạch tại các xã thuộc các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức.
Tuy nhiên, “Aqua One chỉ triển khai mạng lưới phân phối đến tận người dân đối với những vùng trắng của Hà Nội, có nghĩa là đến các quận, huyện, xã chưa bao giờ có nước sạch tới. Chỉ những vùng đó thì được vào từ A đến Z”.
Vậy có thể thấy, đến việc kinh doanh nước sạch tại Hà Nội hiện nay Aqua One vừa thông qua việc bán buôn cho các doanh nghiệp nước sạch Hà Nội, đồng thời bán thông qua các công ty con (Công ty CP kinh doanh nước sạch số 1 Aqua One, Công ty CP kinh doanh nước sạch số 2 Aqua One và Công ty CP kinh doanh nước sạch số 3 Aqua One) và phân phối tới tận người dân.