“Xóa sổ” nước ngầm
Trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của Hà Nội là khoảng 897.000m3/ngày. Trong đó, nguồn nước ngầm là chủ yếu với công suất khoảng 697.000m3/ngày, còn lại là nguồn nước mặt sông Đà cung cấp cho Hà Nội khoảng 200.000m3/ngày, dù công suất thiết kế là 300.000m3/ngày.
Những năm gần đây, Hà Nội đã tích cực kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa để phát triển nước nguồn và hệ thống mạng lưới cấp nước. Tính đến ngày 31/7/2019, đã có 04 dự án phát triển nước nguồn tập trung. Bao gồm: Trạm cấp nước Dương Nội với công suất 30.000m3/ngày, Dự án cải tạo nâng cấp nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long - Vân Trì 150.000m3/ngày, Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống phân kỳ 1, giai đoạn 1 công suất 150.000m3/ngày, Dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II nâng công suất từ 220.000m3/ngày lên 300.000m3/ngày. Kể từ đó tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung cho Hà Nội đạt 1.370.000m3/ngày.
Đó là chưa kể đến việc dự án nhà máy nước sông Đà giai đoạn II còn dự kiến nâng công suất lên 600.000m3/ngày. Riêng Nhà máy nước mặt sông Đuống ngày 5/9/2019 đã khánh thành phân kỳ 2, giai đoạn 1, nâng tổng công suất lên 300.000m3/ngày, thậm chí mở cơ hội tiếp tục nâng công suất nhà máy lên 900.000m3/ngày vào năm 2022.
Thông tin mới nhất, ngày 8/10/2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xây dựng lộ trình đóng các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nước ngầm. Cũng đúng ngày 8/10/2019 xảy ra sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải.
Về cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở KHĐT chủ trì rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách để có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nước sạch.
Sở TNMT chủ trì sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và cơ chế hỗ trợ nhằm đẩy nhanh việc đóng các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác tài nguyên nước trái phép; giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư liên quan đến đất đai, quy hoạch, nguồn nước,...
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ người dân Thủ đô được dùng nước sạch đúng tiêu chuẩn. Với chủ trương xã hội hóa cung cấp nước sạch (cụ thể hơn là nước mặt) của Hà Nội, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư bỏ vốn vào thị trường nước sạch đầy tiềm năng của thành phố.
Theo tìm hiểu của Báo KH&ĐS, trong nỗ lực cải thiện nước sinh hoạt cho người dân, Hà Nội đã giao cho các nhà đầu tư triển khai tới 11 dự án phát triển nước nguồn.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được giới thiệu áp dụng công nghệ xử lý nước hiện đại. |
Lao vào nước mặt
Ngày 5/9/2019, Nhà máy nước mặt Sông Đuống giai đoạn 1 TP Hà Nội đã khánh thành tại huyện Gia Lâm, với tổng công suất 300.000m3/ngày. Nhà máy đã hoàn thành với tổng mức đầu tư đến 5.000 tỷ đồng (225 triệu đô la Mỹ), và vượt tiến độ tới 16 tháng.
Đây là một dự án cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc, đủ công suất cung cấp cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ yhcận. Phù hợp với chủ trương của UBND TP Hà Nội trong thay thế nguồn nước ngầm đang chịu đánh giá có nguy cơ ô nhiễm cao.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được giới thiệu vận hành tự động hóa hoàn toàn, áp dụng công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất hiện hành tại Việt Nam (tương đương các tiêu chuẩn quốc tế), toàn bộ thiết bị có xuất xứ từ châu Âu...
Các văn bản của UBND TP Hà Nội đều thông tin Công ty CP nước mặt sông Đuống là chủ đầu tư của dự án xã hội hóa Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tập đoàn Aqua One là đơn vị khởi xướng, dẫn dắt, kết nối để Công ty CP Nước mặt Sông Đuống tiến hành đầu tư và xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Chủ tịch HĐQT của Aqua One là bà Đỗ Thị Kim Liên đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống.
Từ giác độ kinh doanh, việc Tập đoàn Aqua One lựa chọn không sử dụng thương hiệu đắt giá của tập đoàn để “gắn” cùng thương hiệu nước sông Đuống là khá lạ lùng. Thay vào đó, chủ đầu tư thực sự đã đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống qua hợp đồng ủy thác.
Theo tìm hiểu của Báo KH&ĐS, Công ty CP nước mặt sông Đuống thành lập ngày 08/06/2016, trước thời điểm UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 2869/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống 05 ngày (03/06/2016).
Công ty CP nước mặt sông Đuống có số vốn điều lệ là 999,611 tỷ đồng (4.875.915 USD), do 04 cổ đông góp vốn, bao gồm: Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đăng ký góp 99,961 tỷ đồng (nắm giữ 10% cổ phần), Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch đăng ký góp 49,980 tỷ đồng (nắm giữ 5% cổ phần), Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank Capital) góp 579,774 tỷ đồng (nắm giữ 58% cổ phần), và VIAC (NO.1) Limited Partnership đến từ Singapore đăng ký góp 269,894 tỷ đồng (nắm giữ 27% cổ phần). Tới ngày 25/7/2019 VIAC (NO.1) Limited Partnership đã thoái hết vốn tại Công ty sông Đuống.
Như vậy, trong cơ cấu cổ đông của Công ty CP nước mặt sông Đuống, hiện Vietinbank Capital góp vốn và sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn nhất. Giữa Vietinbank - chủ sở hữu của Vietinbank Capital - và Công ty CP nước mặt Sông Đuống cũng có quan hệ cho vay và đi vay.
Theo giải thích của Công ty CP nước mặt Sông Đuống, việc vay vốn của Vietinbank là để thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Và, Vietinbank Capital giữ vai trò cổ đông của Công ty sông Đuống là theo quy định về ủy thác và nhận ủy thác. Cụ thể hơn là, Vietinbank uỷ thác cho Công ty Quản lý Quỹ Vietinbank quản lý và sở hữu cổ phần tại Công ty sông Đuống.
Tất nhiên, khi được phép bán nước sạch, chất lượng nước nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống đã phải đạt các tiêu chuẩn cho phép. Nhưng, sự cố nước mặt sông Đà nhiễm dầu thải cũng đã trở thành rủi ro tiềm tàng mà Nhà máy nước mặt Sông Đuống cũng cần phải lưu ý, có biện pháp phòng ngừa, và thậm chí tổng kết thành bài học kinh nghiệm.
Về nguyên tắc, các nhà máy nước mặt nói chung của Hà Nội không thể phân phối trực tiếp nước cho người dân, mà phải thông qua việc bán buôn cho các đơn vị kinh doanh mạng nước, rồi mới bán tới người dân. Tức là nước mặt đến với người dân là qua 02 lần giá, (giá bán buôn và giá thành phố Hà Nội quyết định giá đến người dân). Theo tìm hiểu của Báo KH&ĐS, riêng Nhà máy nước mặt sông Đuống thì vẫn có thể bán được “từ A - Z”, nhưng vẫn chịu chung quy định của thành phố Hà Nội.
Tính tới thời điểm hiện nay, giá mua buôn nước sạch sông Đà là 5.069,76 đồng/m3. Tuy nhiên, giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống dự tính là 10.264 đồng/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 7%/năm (14 năm).