Đắt vẫn rủi ro
Khoảng 4 giờ sáng ngày 3/6/2019, xe container mang biển kiểm soát 15C - 044.77 đã sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm cho biết vị trí này đã bị sụt lún, với diện tích khoảng 20m2. Do sự cố này mà một số khu vực thuộc 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa chịu ảnh hưởng nước yếu trong vài ngày.
Sự cố sụt lún dẫn tới xe hạng nặng sập hố gây vỡ ống nước của nhà máy nước mặt sông Đuống khiến dư luận phải thêm một lần lưu tâm tới chất lượng ống và chất lượng thi công của các dự án nước sạch tại Hà Nội.
Thông tin bổ sung, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã sử dụng ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây là doanh nghiệp từ năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà. Nhưng sau đó gặp phải phản ứng lo ngại về chất lượng, khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.
Đáng chú ý, chỉ vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng tại gói thầu cung cấp ống cho nước sông Đà, hợp đồng cung cấp ống cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã được ký với chính nhà thầu Trung Quốc Xinxing. Hiện, chưa rõ đoạn ống bị sụt lún và vỡ vì xe tải sập hố ngày 3/6/2019 có sử dụng ống do nhà thầu Xinxing của Trung Quốc cung cấp?
Chưa hết, có thể so sánh tính hiệu quả của dự án nước mặt sông Đuống với dự án nước Sông Đà đã được thực hiện trước đó, để thấy sự chênh lệch rất cao giữa hai dự án này. Theo đó, Dự án nước sông Đà hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác ngày 19/8/2008. Dự án có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất nhà máy xử lý nước là 300.000m3/ngày, tuyến ống truyền tải nước sạch ống composite cốt sợi thủy tinh dài 46km, đường kính ống từ 1.500 - 1.800mm. Tính bình quân, Dự án nước sông Đà có suất đầu tư xấp xỉ 4,83 triệu đồng/m3 nước. Giá bán nước của dự án này là gần 5.000đ/m3.
Tại Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, với 2 hợp phần chính. Gồm công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước công suất 150.000m3 nước/ngày đêm trên diện tích gần 61,5ha, tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km, sử dụng ống truyền tải và cấp 1 là ống HDPE và ống gang có đường kính từ 800 - 1.600mm. Dự án cung cấp nước cho các huyện Gia Lâm, quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Bình quân, nhà máy nước sông Đuống có suất đầu tư trên 16,6 triệu đồng/m3. Giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 9.289đ/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 5%/năm (14 năm). Dự án có thể đầu tư thêm hàng chục nghìn tỷ đồng nâng cao công suất cấp nước trong giai đoạn sau.
Rẻ không được chọn
Việc so sánh các chỉ số đầu tư hai dự án được xây dựng trong hai thời điểm cách nhau khá xa (tới khoảng 10 năm) sẽ là khập khiễng. Tuy nhiên, mức chênh lệch rất lớn giữa hai dự án nước sạch về bản chất không khác biệt về công nghệ này vẫn là quá lớn. Đặc biệt khi công suất giai đoạn 1 nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ bằng một nửa, nhưng tổng đầu tư lại gấp hơn 3 lần dự án nước sông Đà.
Chưa hết, như tên gọi, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt ở sông Đuống để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Thủ đô. Sông Đuống bắt nguồn từ sông Hồng, đi qua các khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, với nhiều nhà máy và khu công nghiệp tại thượng nguồn.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30/5/2019, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Phó tư lệnh Quân khu 2) nêu ý kiến về vấn đề môi trường tại khu vực biên giới Việt - Trung. Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, vấn đề môi trường trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã tới lúc cần quan tâm. “Nhiều sông, suối ở biên giới đang bị ô nhiễm” – ông nói.
Trước đó, chiều 31/3/2019, cá trên sông Hồng đoạn cầu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai (nối với Trung Quốc) đã chết hàng loạt, nghi do ô nhiễm nguồn nước. Còn từ gần 5 năm trước, vào tháng 8/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phải báo cáo Chính phủ về thực tế nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ qua Lào Cai về xuôi ngày càng ô nhiễm. Và từ 4 năm trước thời điểm 2016, Sở TNMT Lào Cai cũng đã từng báo cáo tỉnh về việc các bãi cát, bờ sông Hồng đoạn biên giới với Trung Quốc đã “nhuốm vàng, bốc mùi hôi thối”.
Những cảnh báo về một sông Hồng ô nhiễm ngay từ thượng nguồn, do thế, đã được phát đi từ hơn 10 năm trước. Tức là trước cả khi dự án nhà máy nước mặt sông Đuống - một nhánh của sông Hồng - được viết những dòng đầu tiên trên giấy. Nhưng nhà máy này vẫn được xây dựng và sử dụng nguồn nước mặt “nguyên liệu” có nguy cơ ô nhiễm rất cao, để sản xuất ra “nước sạch”.
Tất nhiên, các chuyên gia về lĩnh vực nước sạch đều xác nhận việc xử lý nguồn ô nhiễm từ nước mặt của hầu hết các dòng sông hiện đều có thể sử dụng công nghệ để giải quyết được. Nhưng cũng là thực tế dễ hiểu, nguồn nước càng phức tạp, càng ô nhiễm, thì số tiền phải bỏ ra để xử lý ra nước sạch lại càng lớn. Sự lớn ấy, sau đó, đương nhiên sẽ làm tăng giá thành mua nước của dân. Như trên đã dẫn, giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 9.289đ/m3.
Vậy vì sao Hà Nội buộc phải chấp nhận sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống để sản xuất nước sạch với giá cao? Thực tế, để đáp ứng nhu cầu về nước của khu vực đang phát triển phía Đông và phía Nam Hà Nội, từ nhiều năm trước, đã có 3 dự án nhà máy nước sạch cho thành phố được quy hoạch. Nhưng bởi nhiều lý do, nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Duy có dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống đã nhanh chóng được triển khai, và đang được khẩn trương thúc đẩy để biến thành... đại dự án nước sạch, với những đường ống thu nước ngày càng xa, kéo vốn đầu tư thêm lớn.
Đối lập với sự nhanh triển khai và mở rộng của nhà máy nước mặt sông Đuống (giá nước cao), là sự chậm hoàn thành tuyến ống thứ 2 của dự án nước sông Đà. Cần lưu ý, nguồn nước sông Đà được đánh giá có độ ô nhiễm không cao bằng các nguồn nước khác. Đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư, xử lý nước sạch sẽ thấp hơn.
Vậy thì vì sao Hà Nội lại cứ phải chọn chỗ đắt mà làm nhà máy nước?