Tầm nhìn vượt thời gian của tỷ phú Elon Musk

Một thập kỷ gần đây, Elon Musk trở thành biểu tượng của sự đổi mới và sự đột phá trong ngành công nghệ. Từ khởi đầu khiêm tốn đến các dự án táo bạo và đầy thách thức, Elon Musk thể hiện rõ tầm nhìn vượt thời gian…
Tỷ phú Elon Musk

Tỷ phú Elon Musk

Người thách thức những giới hạn

Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Cha ông là kỹ sư, mẹ là người mẫu kiêm chuyên gia dinh dưỡng (người Canada). Năm Musk 9 tuổi, cha mẹ ông ly hôn, Musk sống cùng cha.

Lúc 10 tuổi, Musk bắt đầu làm quen với việc lập trình bằng Commodore VIC-20 - chiếc máy tính cá nhân đời đầu rẻ tiền. Hai năm sau, Musk tự lập trình được một tựa game là "Blastar" và bán nó với giá 500 USD.

Học Đại học Pretoria khoảng 5 tháng, Musk chuyển đến Canada sống cùng mẹ và học Trường Đại học Queen. Hai năm sau, ông bỏ học, sang Mỹ theo ngành Kinh tế và Vật lý của Đại học Pennsylvania.

Dường như Elon Musk có tình yêu kỳ lạ, thậm chí “ám ảnh” với chữ “X”, dù ông chưa bao giờ lên tiếng giải thích. Hầu hết công ty do ông thành lập hoặc quản lý đều liên quan chữ X như: Công ty trí tuệ nhân tạo xAI; X.com; Hãng công nghệ hàng không vũ trụ SpaceX; Tesla Model X; X Holdings…

Theo lý giải của nhà tâm lý học người Mỹ Leon Seltzer, X là chữ cái đại diện cho sự hư vô và không có giới hạn.

Khi 24 tuổi, Musk tới California theo đuổi bằng tiến sĩ Vật lý ứng dụng tại Đại học Stanford. Lúc này, Internet đang vào thời đại bùng nổ, phát triển mạnh mẽ và thung lũng Silicon nổi lên như “miền đất hứa” cho những nhà khởi nghiệp trẻ. Musk quyết định gác lại việc học, nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ông cùng em trai thành lập công ty đầu tiên mang tên Zip2, cung cấp phần mềm hướng dẫn du lịch thành phố trực tuyến cho các tờ báo.

Năm 1999, Musk mở công ty ngân hàng trực tuyến với tên miền X.com. 10 năm sau, X.com kết hợp Confinity, đổi tên thành Paypal. Elon Musk đã sớm thể hiện sự sáng tạo và tài năng vượt trội. Từ bán trò chơi video đầu tiên cho tới thành lập PayPal, ông nhanh chóng chứng tỏ khả năng kinh doanh phi thường của mình. Tuy nhiên, thành công không làm Elon Musk dừng bước, mà ngược lại, thúc đẩy ông tiến xa hơn trong việc thách thức giới hạn công nghệ.

Đến năm 2002, Elon Musk thành lập SpaceX với mục tiêu tạo ra công nghệ vận chuyển không gian hiệu quả và giảm thiểu chi phí. Dự án này không chỉ đưa ông tiến sâu vào lĩnh vực thám hiểm không gian, mà còn mở ra cơ hội cho con người khám phá những hành tinh xa xôi và khả năng định cư ngoài Trái Đất.

Năm 2004, ông gia nhập Tesla Motor (nay là Tesla Inc), trở thành CEO cũng như kiến trúc sư sản phẩm của hãng. Dưới tầm nhìn của Elon Musk, Tesla trở thành biểu tượng của xe điện và công nghệ sạch. Công ty này không chỉ thúc đẩy sự chuyển đổi từ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, mà còn đẩy mạnh phát triển pin lithium-ion và các giải pháp lưu trữ năng lượng.

Không dừng lại ở đó, ông còn thúc đẩy dự án Hyperloop - phương tiện tốc độ siêu cao trong ống hút chân không, hứa hẹn thay đổi cách con người di chuyển trên cả nước và toàn cầu.

Như một bước tiến nữa trong hành trình đầy thách thức, Neuralink - dự án nghiên cứu ghép nối não với máy tính - đang định hình lại cách chúng ta tương tác với công nghệ thông qua khả năng kết nối trực tiếp với não bộ.

Từ những dự án thành công đến cả thất bại và trở ngại, Elon Musk thể hiện tinh thần kiên định, quyết tâm không ngừng nghỉ trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân loại thông qua công nghệ. Hành trình chinh phục đỉnh cao công nghệ của ông là minh chứng sống động về sức mạnh của tầm nhìn và sự kiên trì trong việc thách thức những giới hạn đã biết đến.

Bí quyết thành công với "Nguyên tắc đầu tiên"

Để tạo ra những đột phá, Elon Musk ủng hộ “Nguyên tắc đầu tiên”. Ông mô tả cách tiếp cận này như sau: “Hãy nghĩ mọi thứ cơ bản và đơn giản nhất, sau đó tìm ra câu trả lời đúng nhất”.

“Hãy nghĩ mọi thứ cơ bản và đơn giản nhất, sau đó tìm ra câu trả lời đúng nhất” - Elon Musk

Theo The Wall Street Journal, phương pháp này dựa trên việc chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành những yếu tố cơ bản của chúng. Đó là một quá trình suy luận dựa trên vật lý và triết học, bác bỏ sự phụ thuộc vào những quy ước hay cách tiếp cận truyền thống để giải quyết trước đây.

"Tôi có xu hướng tiếp cận mọi thứ từ khuôn khổ vật lý. Vật lý dạy bạn suy luận từ những nguyên tắc đầu tiên thay vì phép loại suy", Musk nói.

Phân tích về cách áp dụng thành công phương pháp này, cố vấn trưởng của LA Career Coaching James Park cho hay, tư duy theo nguyên tắc đầu tiên của Musk đã được áp dụng vào nhiều dự án kinh doanh khác nhau, thách thức sự hiểu biết thông thường và đạt được những tiến bộ đáng kể.

Chẳng hạn, tại SpaceX, Elon Musk thách thức quan điểm cho rằng tên lửa không thể được tái sử dụng một cách hiệu quả. Thay vào đó, ông xây dựng một doanh nghiệp thành công xoay quanh khái niệm tên lửa có thể tái sử dụng dựa trên những nguyên tắc cơ bản của tên lửa và kinh tế vật chất.

Tại Tesla, ông đặt câu hỏi về niềm tin phổ biến rằng ô tô điện không thể có giá phải chăng do chi phí pin cao, sau đó sử dụng nguyên tắc đầu tiên để đưa ra các chiến lược giúp ô tô điện dễ tiếp cận hơn.

Tham vọng đưa người lên sao Hỏa

Với mục tiêu "thay đổi thế giới và giúp đỡ nhân loại”, từ lâu, tỷ phú Elon Musk coi chuyến thăm tới sao Hỏa là mục tiêu. Theo NPR, năm 2016, ông nói rằng, muốn chế tạo tên lửa có khả năng đưa con người lên sao Hỏa và hỗ trợ xây dựng thành phố lâu dài trên hành tinh này.

Tháng 3/2022, Giám đốc điều hành SpaceX tiếp tục úp mở về sứ mệnh mang phi hành đoàn lên sao Hỏa có thể diễn ra vào năm 2029.

Sau khi đặt câu hỏi về các giả định, thay vì bắt đầu bằng phép loại suy hoặc giải pháp hiện có, Elon Musk phân tích vấn đề từ những yếu tố cơ bản nhất của chúng, thúc đẩy tư duy sáng tạo và đổi mới. Các vấn đề phức tạp được chia nhỏ và giải quyết riêng lẻ, cuối cùng tích hợp thành giải pháp toàn diện.

Nguyên tắc này thể hiện tầm quan trọng của việc học hỏi liên tục trong phát triển sự sáng tạo và đối mặt những thách thức, khó khăn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Elon Musk đạt được nhiều thành công lớn trong sự nghiệp của mình.

Tính đến ngày 31/8/2023, theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Elon Musk là 257.6 tỷ USD. Ông được xếp vị trí người giàu nhất hành tinh.

Theo Đời sống
Có nên mua Sony Xperia 1 VI và 10 VI?

Có nên mua Sony Xperia 1 VI và 10 VI?

Sau một thời gian dài im ắng ở mảng smartphone, Sony bất ngờ quay lại thị trường di động Việt Nam, bằng việc công bố và mở bán bộ đôi smartphone Xperia 1 VI và Xperia 10 VI.
back to top