Cốc đựng mì tôm dùng lại nhiều lần
Trong nhà bà Nguyễn Thị Son (Hà Nội) có hẳn một ngăn tủ riêng là các loại cốc, hộp, bát, ống hút… dùng một lần. Nhưng điểm khác biệt của ngăn này chính là không phải tất cả đều là hàng mới mà hầu hết đã qua sử dụng trước đó. Trong đó, không ít loại cốc được cháu bà mua từ việc uống trà sữa, ăn mì tôm… Điển hình như gia đình bà thường xuyên ăn mì hộp Cung Đình, mì Modern của VinaAcecook nên giữ lại nhiều hộp nhằm tiện cho các việc pha mì gói sau đó. Hoặc cháu bà uống trà sữa cũng giữ lại cả hộp lẫn ống hút để uống nước thay vì dùng cốc trong cả tuần.
Tuy nhiên, trong quá trình trò chuyện bà cũng chia sẻ, dù dùng lại nhưng bản thân bà không rõ có an toàn hay không. Bởi chưa thấy công ty nào nói rõ là họ dùng nhựa gì để làm nên hộp trên, hay tái sử dụng bao nhiêu lần là phù hợp. Bà chỉ biết rằng, dùng lại vì thấy vẫn còn tốt, sạch và đẹp. Để dùng, nên bà rửa sạch, để khô rồi cất gọn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có rất nhiều loại sản phẩm nhựa dùng một lần được bán và sử dụng trên thị trường để đựng thực phẩm. Các loại nhựa bán sẵn thường có thể thấy một vài thông tin ghi dưới đáy. Nhưng cũng nhiều đơn vị đặt riêng cho nhãn hàng nên không đưa ra bất cứ thông tin gì để người dùng biết nguyên liệu nhựa, tái sử dụng được hay không.
Trước câu hỏi, tái sử dụng nhựa dùng một lần có an toàn, PGS.TS. Đỗ Quang Kháng, phòng công nghệ vật liệu và môi trường, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, đặc điểm của nhựa dùng một lần khác với nhựa dùng lâu dài là chất liệu nhựa, độ dày hay sự bền chắc sẽ giảm hơn tùy loại. Điều này phù hợp với nhu cầu sử dụng một lần. Theo đó, khi mới dùng một lần thì nhựa vẫn nguyên chất, chưa bị biến đổi gì. Nhưng, tái sử dụng có thể xảy ra tình trạng sẽ tạo ra một số chất phụ trong quá trình phân hủy. Như, sau khi dùng có thể dẫn đến nhựa bị cắt mạch, khô mạch, biến đổi chất lượng. Cho nên, nếu tái sử dụng thì yếu tố gia công các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng rất quan trọng để tránh tình trạng này.
Hạn chế dùng vào mục đích đựng đồ ăn uống
Đồng quan điểm, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, chuyên gia về polyme, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, Tái sử dụng nhựa dùng một lần có an toàn thực tế phải dựa vào quá trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu nhựa đó thế nào. Nếu dùng nhựa nguyên sinh, quá trình dùng lại trong một chừng mực nhất định có thể vẫn an toàn vì chưa đến mức thôi nhiễm hoặc ngấm các chất của thức ăn vào dẫn đến ngộ độc hay độc hại về lâu dài.
Nhưng nếu dùng nhựa tái chế, việc dùng lại vô hình trung có thể rước độc vào người do chất lượng nhựa kém, khả năng bền vững thấp, các chất có trong nhựa cũng không phù hợp với thực phẩm.
Đánh giá về vấn đề này, vị chuyên gia ngành hóa học cho rằng, nước ta quá trình sản xuất này còn nhiều nhập nhằng, nên người dân cần cân nhắc khi tái sử dụng. Nếu tái sử dụng cũng cần phù hợp để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Cụ thể, các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên rằng, tái sử dụng nhựa dùng một lần có thể được nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm, tránh lãng phí và tiện lợi… Nhưng, cần cân nhắc dùng vào mục đích đựng đồ ăn uống. Nhất là không dùng để đựng các thực phẩm có chứa tính độ chua, mặn để tránh nguy cơ thôi nhiễm các chất trong nhựa ra nhanh và mạnh hơn. Thay vào đó, chỉ nên dùng để đựng các thực phẩm khô hoặc dùng với các mục đích đựng đồ dùng như cắm bút, trồng và cắm hoa…
“Nếu xác định nguyên liệu nhựa là PE hay PP thì có thể dùng để đựng nước lọc uống thêm 1-2 lần. Nhưng không phải sản phẩm nào cũng ghi rõ điều này nên người dùng cần cân nhắc”. GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu.
Vân Đài