Bệnh nhân nam 36 tuổi, cuối năm 2019 đã từng hôn mê, phải đặt ống nội khí quản, thở máy kéo dài tại một cơ sở y tế. Sau rút ống nội khí quản 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện khó thở, thở rít từng cơn. Tháng 2/2020, với chẩn đoán hẹp khí quản cổ sau đặt ống nội khí quản kéo dài, bệnh nhân được nong và đặt stent khí quản nhiều lần tại một trung tâm hô hấp lớn, tình trạng bệnh không cải thiện. Bệnh nhân được hội chẩn và chuyển đến Khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 để phẫu thuật trong tình trạng suy hô hấp, khó thở, thở rít liên tục cả khi vận động nhẹ và khi nghỉ.
Bệnh nhân được chẩn đoán hẹp khí quản đoạn cổ sau đặt ống nội khí quản, đặt stent khí quản không hiệu quả tháng thứ 5. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành phẫu thuật cắt đoạn khí quản hẹp, nối khí quản. Theo TS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Lồng ngực, bình thường, tổn thương hẹp khí quản sau đặt nội khí quản là tổn thương tương đối đơn giản, thuận lợi cho việc cắt nối khí quản. Nhưng trường hợp này, khí quản bị tái hẹp trở lại sau khi được nong và đặt stent. Những trường hợp bị tái hẹp sau đặt stent, phẫu thuật khó khăn hơn do có nguy cơ thiếu máu ở đoạn khí quản đã được nong và đặt stent, dẫn đến khó khăn trong việc liền miệng nối khí quản. Đoạn khí quản cần cắt bỏ cũng dài hơn, dễ gây căng miệng nối. Với sẹo hẹp thông thường, chúng tôi chỉ cần cắt đoạn khí quản khoảng 1,5cm, nhưng với trường hợp này, các bác sĩ phải cắt đến 3cm mà vẫn có nguy cơ thiếu máu ở miệng nối khí quản.
Đúng như tiên lượng của các bác sĩ, miệng nối vẫn thiếu máu và đến ngày thứ tư sau mổ, có 1 mối khâu trên miệng nối bị rò. Do được tiên lượng và theo dõi sát, tình trạng này đã được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Bệnh nhân đã được đặt canuyn mở khí quản qua vị trí rò. Sau 2 tuần, miệng nối liền hoàn toàn và rút canuyn bệnh nhân thở, nói và sinh hoạt bình thường. Kết quả chụp CT 20 ngày sau phẫu thuật cho thấy miệng nối liền hoàn toàn.
TS.BS Ngô Vi Hải cho biết thêm, đặt stent khí quản là một kỹ thuật rất tốt để điều trị tổn thương hẹp khí quản do ung thư không còn khả năng phẫu thuật triệt căn hoặc những bệnh nhân thể trạng không cho phép phẫu thuật. Với tổn thương sẹo hẹp khí quản, đó cũng là một giải pháp điều trị có hiệu quả nhất định nhưng bệnh nhân cần được theo dõi sát và có thể phải can thiệp nhiều lần. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công và khả năng giải quyết triệt để tổn thương không chắc chắn bằng phẫu thuật. Ngoài ra, trong trường hợp nong và đặt stent thất bại thì mổ cắt nối khí quản sẽ gặp nhiều khó khăn. Khuyến cáo chung cho các bệnh nhân, với tổn thương lành tính, khu trú như hẹp khí quản sau đặt nội khí quản, bệnh nhân nên được phẫu thuật ngay từ đầu, vì phẫu thuật giải quyết triệt để tổn thương, cho kết quả ổn định và tỷ lệ thành công rất cao. Trong trường hợp tái hẹp ở miệng nối (tỷ lệ rất thấp) thì khi đó nong và đặt stent lại là một chỉ định rất tốt.