“Thành công”
"Ca mổ kết thúc, thành công", TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đã thông báo một cách đơn giản cho cha mẹ Trúc Nhi - Diệu Nhi. Họ đã bật khóc, vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nghe tin mừng.
Bé Trúc Nhi vừa được đưa vào phòng phẫu thuật và bắt đầu tiến hành gây mê. |
Sự thành công đến từ những trăn trở, hội chẩn, hợp sức của cả ngành y tế thành phố. Nhận định đây là ca phẫu thuật phức tạp, hơn 60 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TPHCM phối hợp cùng 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y Dược TPHCM...
Bé Diệu Nhi đang được các bác sĩ tiến hành gây mê. |
GS.TS.BS Trần Đông A, Trưởng ban Tham vấn của ê kíp mổ đánh giá, đây là cột mốc đáng nhớ của ngành phẫu thuật Việt Nam, khi mà tất cả các bước phẫu thuật đều do bác sĩ Việt Nam thực hiện.
Ê kíp phẫu thuật gần 100 người được chia ra làm 11 ê kíp. Để có máu cho 2 bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, tách dính, điều chỉnh hệ tiết niệu - sinh dục, tạo hình cho hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi. |
"Đây được xem là bước đầu thành công trong việc tách rời. Trong thời gian tới, các bé sẽ được tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khoẻ sau mổ, hồi sức ổn định hô hấp, tuần hoàn, hồi phục hoạt động của đường tiết niệu, đường tiêu hoá và các biến chứng có thể xảy ra. Hiện 2 bé vẫn dùng hậu môn tạm, bàng quang qua da, chúng tôi sẽ phẫu thuật lại trong vòng 3 tháng nữa. Còn ống dẫn lưu sẽ rút trong vòng 1 tuần. Trong điều trị dài hơn, chúng tôi phải tập vật lý trị liệu cho và theo dõi 2 bé cho đến khi 18 tuổi” - TS.BS Trương Quang Định chia sẻ.
Cha và mẹ của hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi trong nỗi bồn chồn chờ tin con. |
Bác sĩ Việt Nam đảm nhiệm tất cả các bước phẫu thuật
Hơn 100 bác sĩ tham gia đại phẫu tách dính Trúc Nhi - Diệu Nhi. |
GS.BS Trần Đông A, từng là trưởng ê kíp phẫu thuật ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt - Đức cách đây hơn 30 năm, chia sẻ thêm về khó khăn của ca mổ lần này: “Cái khó của ca này là dính bụng chậu 4 xương và còn hở xương mu nên việc đóng lại xương mu rất khó khăn. Nếu đóng được xương chậu lại, tất cả cơ quan sẽ nằm đúng vị trí. Các cháu sẽ có hi vọng đứng lên và đi lại bình thường”.
Trao đổi với phóng viên Báo KH&ĐS, TS.BS Lê Thanh Hùng - Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Trưởng ê kíp tiết niệu - sinh dục trong ca phẫu thuật tách ghép “Song Nhi” cho biết, đây là một ca phức tạp vì dính ở vùng chậu là khu vực tiết niệu - sinh dục và trực tràng - hậu môn. Hệ tiết niệu của hai bé phát triển bất thường, niệu quản lạc chỗ với bàng quàng. Vị trí bàng quang, âm đạo, buồng trứng, tử cung bị xoay bất thường. Thử thách đối với các bác sĩ là khi tách hai bé ra, phải đưa hệ tiết niệu, hệ sinh dục trở lại bình thường.
Các bé được chăm sóc sau mổ, tình trạng ổn định. |
Sau khi thành công tách rời hoàn toàn, mỗi bé được nhanh chóng đưa ra phòng mổ riêng, tiến hành các công đoạn chỉnh hình và tạo hình khung chậu, nối lại niệu quản, dẫn lưu bàng quang ra da, làm hậu môn nhân tạo 2 đầu rời tại hạ sườn trái. Bé Diệu Nhi được giữ hậu môn thật và ½ đại tràng trái, bé Trúc Nhi được giữ lại đoạn hồi tràng chung, van hồi manh tràng và ½ đại tràng phải.
Theo TS.BS Lê Thanh Hùng, vì đây là ca mổ lớn liên quan đến hệ niệu dục thuộc nhánh thần kinh vùng tiết niệu - sinh dục, vùng chậu, nên khi phẫu thuật vùng chậu, các nhánh thần kinh chi phối bàng quang - niệu đạo, trực tràng… không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những biến chứng tạm thời này không đáng kể so với việc tách dính, điều chỉnh và tạo hình thành công, trả lại cho các bé hình hài gần như bình thường.
TS.BS Trương Quang Định chia sẻ niềm hạnh phúc sau khi hoàn tất ca đại phẫu: “Chúng tôi phải chuẩn bị mọi mặt để tốt nhất cho 2 bé. Sau khi hai bé chào đời, chúng tôi tiếp tục đồng hành, nuôi nấng 2 bé cho đến ngày hôm nay, diễn ra cuộc đại phẫu tách dính. May mắn các chẩn đoán trước mổ về mặt hình ảnh học, phương án điều trị tối ưu được vạch ra đều nằm trong dự kiến”.
Tháng 7/2019, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đã tiếp nhận từ Bệnh viện Hùng Vương một trường hợp song sinh dính nhau phức tạp. Theo các bác sĩ, 2 cháu bé là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, chỉ có khoảng 6% cặp song sinh dính nhau kiểu này.
Sau quá trình chăm sóc điều trị, nuôi dưỡng với chế độ đặc biệt, hiện 2 bé đã được 13 tháng tuổi và nặng 15 kg, chỉ số phát triển bình thường, đủ sức khoẻ cần thiết để tiến hành ca mổ tách dính vùng bụng.
Hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi trước ca mổ tách dính.
Qua thăm khám và làm các kiểm tra như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp vi tính cắt lớp mạch máu (CTA), các bác sĩ phát hiện ra hàng loạt các bất thường tại vùng bụng chung. Về hệ tiêu hoá, 2 bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ có 1 lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu, 2 bé có 2 bàng quang nằm 2 bên ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Còn về cơ quan sinh dục, 2 bé có tử cung âm đạo đôi. Ngoài ra, 2 bé còn có hở khớp mu, khung chậu 2 bé lại xếp thành một vòng tròn.