Tắc động mạch phổi tử vong sớm cao hơn nhồi máu cơ tim cấp

(khoahocdoisong.vn) - Tắc động mạch phổi (TĐMP) là bệnh nặng, một trong những nguyên nhân chính của tử vong trong các bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ tử vong sớm của bệnh lên tới 15%, cao hơn nhồi máu cơ tim cấp. Phát hiện điều trị sớm có thể khỏi bệnh.

Thường gặp nhưng khó chẩn đoán và dễ tử vong

BS Hà Thế Linh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống được bệnh nhân bị TĐMP cấp. Bệnh nhân Trần Văn L. (82 tuổi, Phú Thọ) được đưa vào cấp cứu - trong tình trạng: Tiếp xúc chậm, tức ngực, khó thở dữ dội, tím tái môi và ngọn chi, phổi thông khí giảm, độ bão hòa oxy SPO2 75- 80%.

Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không xâm nhập, cho người bệnh dùng thuốc giãn phế quản, làm điện tim đồ tại giường, xét nghiệm nhanh D-dimer tại giường. Kết quả chụp CT thấy tắc nhánh động mạch thùy giữa phổi phải do huyết khối. Người bệnh được chẩn đoán bị tắc động mạch phổi cấp.

Bệnh nhân tắc động mạch phổi được cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân tắc động mạch phổi được cấp cứu kịp thời.

Sau khi được sử dụng thuốc tiêu huyết khối Alteplase, thuốc chống đông Heparin, tình trạng đau tức ngực, khó thở của người bệnh đã giảm, SPO2 cải thiện đáng kể. 6 ngày sau điều trị, người bệnh đã đỡ hẳn tình trạng khó thở, mạch, huyết áp ổn định, có thể ra viện trong vài ngày tới.

BS Hà Thế Linh cho biết, TĐMP là tình trạng tắc nghẽn dòng lưu thông bình thường của máu. Sự tắc nghẽn này khiến cho việc trao đổi khí bị gặp nhiều trở ngại, khiến người bệnh bị suy giảm hô hấp, đau tức ngực, khó thở. Đây là bệnh khá thường gặp tuy nhiên khó chẩn đoán vì dễ nhầm với các bệnh khác. Bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị phù hợp dễ tử vong.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, TĐMP hay còn gọi là huyết khối động mạch phổi (HKĐMP) là bệnh nặng nhất, một trong những nguyên nhân chính của tử vong trong các bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ tử vong sớm của bệnh lên tới 15%, cao hơn nhồi máu cơ tim cấp. 

Triệu chứng cơ năng và thực thể của TĐMP không đặc hiệu, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh như: Viêm phổi hoặc viêm phế quản phổi, hen phế quản, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, phù phổi, lóc động mạch chủ, tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát, tràn khí màng phổi, viêm sụn sườn...

Người có yếu tố nguy cơ cần phát hiện và điều trị sớm

Các chuyên gia cho biết, bệnh thuyên tắc mạch phổi nếu được điều trị sớm có thể khỏi dứt điểm. Nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì thế, nếu cơ thể có các dấu hiệu bất thường nên đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như: Phẫu thuật nặng, bất động lâu, chấn thương chi dưới, chấn thương cột sống, béo phì, tuổi cao, uống thuốc tránh thai, thai kỳ, hậu sản, ung thư và điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, catheter trung ương đặt lâu, điện cực máy tạo nhịp, hút thuốc lá, di chuyển máy bay đường dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bị bệnh nội khoa, phụ nữ mang thai, đối tượng hạn chế đi lại...

 Các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh TĐMP như: Khó thở, chóng mặt (đây là triệu chứng phổ biến nhất, bệnh tiến triển khá nhanh và người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 17% bệnh nhân bị ngất có cục máu đông trong phổi); Đau ngực khi hít thở thật sâu; Ho ra máu kèm với cả dịch nhầy. Ngoài ra còn gặp các triệu chứng khác như: lo sợ, ho khan, ho máu, toát mồ hôi, tim đập nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, huyết áp giảm, sốc, ngất...Bệnh nhân có thể bị đau ngực kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân có thể cảm thấy choáng váng và mất ý thức, da trở nên xanh tái, nôn mửa...

Để phòng tránh tình trạng TĐMP: Không nằm hoặc ngồi quá lâu, nên thường xuyên vận động; Duy trì mức cân nặng hợp lý; Nên mặc quần áo thoải mái, không quá bó sát để tránh tình trạng máu không lưu thông; Không hút thuốc; Uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để điều trị.

Theo Đời sống
back to top