Đa phần chẩn đoán sai hoặc bỏ sót
Ông Nguyễn Văn T. (64 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ), bị tăng huyết áp vẫn uống thuốc đều nhưng khoảng 1 năm trở lại đây thỉnh thoảng xuất hiện đau đầu, kèm theo dấu hiệu tối sầm mặt khi thay đổi tư thế, đứng lên ngồi xuống, thậm chí bị choáng ngất khi vận động mạnh.
Cách đây một tháng, khi những cơn đau đầu tăng lên, hay choáng ngất ông mới đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thì phát hiện hẹp 75% gốc động mạch cảnh trong bên trái do xơ vữa. Ông được chỉ định phẫu thuật bóc nội mạc ĐMC. Sau mổ ông hết hoàn toàn triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
TS Nguyễn Văn Tuấn, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, ĐMC xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên 2 bên cổ và sau đó cho nhánh vào não nằm trong sọ, cung cấp máu cho não. Khi hẹp, tắc ĐMC một phần của não ít được tưới máu sẽ có tổn hại thần kinh (liệt) ít nhiều tương ứng với vùng não bị thiếu máu. Sự thiếu máu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ bên của cơ thể (liệt nửa người) hoặc một phần (chi trên và chi dưới) cơ thể và đôi khi kết hợp với liệt mặt hoặc rối loạn ngôn ngữ.
Thiếu máu cục bộ thoáng qua nếu can thiệp điều trị sớm có thể hồi phục trong vòng vài giờ. Nếu can thiệp muộn có thể để lại di chứng. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng đến khả năng tầm nhìn tắc động mạch võng mạc trung tâm, dẫn đến mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt ở người bệnh nhiều khi được chẩn đoán là thiếu máu não, rối loạn tiền đình. Vì vậy bệnh nhân đến khám khi tình trạng đã quá nặng nề hoặc tình cờ phát hiện khi đi khám các chuyên khoa khác. Ở Việt Nam, chưa thấy các báo cáo lớn về hẹp ĐMC trong không triệu chứng nên việc tầm soát còn chưa được toàn diện dẫn tới bỏ sót, bệnh nặng. Trong khi hẹp ĐMC là bệnh thường gặp, chiếm 2-8% dân số, đặc biệt nhiều ở người > 50 tuổi kết hợp với các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch chung, tuổi cao, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu...
BS NT Dương Xuân Phương, Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, nguyên nhân thông thường nhất của hẹp ĐMC là xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa bám lên thành động mạch.Trên bề mặt của những mảng xơ vữa hay hình thành những cục máu đông, gọi là huyết khối thành mạch. Huyết khối có thể gây tắc tại chỗ, hoặc tự vỡ ra tạo thành các mảnh nhỏ trôi theo dòng máu đến lấp một nhánh động mạch nào đó trong não. Nặng hơn, khi các cục máu đông tích tụ quá nhiều có thể gây nên vỡ mạch máu, xuất huyết và hoại tử một vùng não.
Với trường hợp của bệnh nhân T., các triệu chứng của hẹp động mạch cảnh rất rõ ràng, nếu không đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não là rất cao.
Những mảng xơ vữa lần lượt được lấy ra từ động mạch cảnh của bệnh nhân T. |
Phát hiện sớm bệnh ĐMC để tránh đột quỵ
TS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, 25 - 30% các trường hợp đột quỵ là do hẹp ĐMC. Tuy nhiên, bệnh hẹp ĐMC ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá trễ khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp ĐMC bị tàn phế suốt đời. Điều này có thể tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm.
Do đó, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao như: tuổi > 50, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động..., không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng như đột ngột bị yếu, tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ một bên tay/chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên... sau vài phút đến vài giờ thì hết và hồi phục hoàn toàn; nhưng cũng có thể không hồi phục... thì nhiều khả năng bị hẹp ĐMC thể hiện bằng cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc nặng hơn là nhồi máu não... thì cần nhập viện cấp cứu. Nguy cơ tai biến mạch máu não sẽ giảm hơn 50% nếu được phẫu thuật bóc tách nội mạc ĐMC ở những người bị hẹp trên 70%.
Phương pháp phát hiện bệnh đơn giản nhất là siêu âm Doppler có thể đo lường mức độ nghiêm trọng của hẹp ĐMC. Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) hoặc chụp CT đa lớp cắt (MSCT) để đánh giá toàn thể hệ thống động mạch trong và ngoài sọ. Cuối cùng là chụp mạch số hóa xóa nền DSA để can thiệp điều trị (đây là phương pháp đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng lòng mạch, được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch máu).
Điều trị tuỳ thuộc mức độ hẹp của ĐMC, hẹp có triệu chứng hay không, cũng như sức khỏe chung của người bệnh. Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc và thay đổi cách sống. Nếu bệnh nặng hay tiến triển các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc nong động mạch cảnh và đặt stent.