Cứu bệnh nhân tím ruột non vì tắc động mạch mạc treo

(khoahocdoisong.vn) - Bị đau bụng đi ngoài ra máu bệnh nhân không thể ngờ lại bị tắc hoàn toàn động mạch nuôi ruột, ruột non bị tím, nguy cơ tử vong cận kề. Nhờ cấp cứu kịp thời và phối hợp đồng bộ giữa khoa phẫu thuật tiêu hóa và tim mạch, các bác sĩ bệnh viện TWQĐ 108 đã bắc cầu nối cứu bệnh nhân và giúp đoạn ruột đang hoại tử bình phục.

Khó phát hiện, ruột nhanh hoại tử và tử vong

Bệnh nhân Nguyễn Văn L. (59 tuổi,) nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn và đi ngoài phân đen. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch chẩn đoán bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch mạc treo (ĐMMT) tràng trên. Đây là động mạch quan trọng nhất của hệ tiêu hóa, nuôi gần như toàn bộ ruột trong ổ bụng. Ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn mổ cấp cứu.

Ruột non tím có dấu hiệu hoại tử.

Ruột non tím có dấu hiệu hoại tử. 

Kíp mổ gồm bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch phối hợp với các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa. Khi mở bụng, các bác sĩ thấy toàn bộ ruột non tím nhợt, lạnh, có biểu hiện đe dọa hoại tử. Các bác sĩ dùng mạch nhân tạo làm cầu nối từ động mạch chậu gốc trái, đầu trung tâm nhận máu từ động mạch chậu, đầu ngoại vi đưa máu từ động chậu qua động mạch nhân tạo tới động mạch mạc treo tràng trên ngay sau chỗ tắc để cung cấp máu nuôi cho ruột. Sau thời gian phẫu thuật, toàn bộ ruột non của bệnh nhân hồng, ấm. 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, hệ tiêu hóa đã hồi phục và hoạt động bình thường.

ThS Ngô Tuấn Anh, Phụ trách Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội108 cho biết, tắc hoàn toàn ĐMMT tràng trên là tổn thương khó chẩn đoán, tuy không hiếm gặp nhưng số lượng bệnh nhân được phát hiện bệnh lại rất ít. Nếu bệnh nhân không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.

Thời gian vàng để cứu đoạn ruột bị hoại tử do tắc  ĐMMT từ 6 – 8 giờ từ khi bị bệnh. Bởi hệ thống ĐMMT bắt nguồn từ động mạch chủ bụng, làm nhiệm vụ cung cấp máu cho ruột nói chung với lưu lượng máu lớn (khoảng 500 - 1.400ml/phút với ĐMMT tràng trên và khoảng 50 - 80ml/phút ở ĐMMT tràng dưới).

Khi các động mạch này bị hẹp hoặc tắc sẽ dẫn đến giảm hoặc mất tưới máu ruột gây phù nề, viêm nhiễm, hoại tử ruột và đặc biệt nguy hiểm khi vi khuẩn gây viêm ruột xâm nhập vào máu gây suy đa tạng, có nguy cơ tử vong. Thời gian ruột bắt đầu hoại tử từ sau 8 giờ và khi ruột hoại tử thì dù phẫu thuật cắt đoạn ruột, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao.

Ruột hồng trở lại sau khi được nối mạch.

Ruột hồng trở lại sau  khi được nối mạch. 

Chớ nên chủ quan với đau bụng

ThS Ngô Tuấn Anh cảnh báo, tắc ĐMMT là tình trạng tắc nghẽn động mạch nuôi ruột khiến máu không đến nuôi ruột non và ruột già và gây hoại tử ruột. Nếu không được chẩn đoán, xử trí kịp thời, thì tỷ lệ tử vong rất cao 70 - 90%. Đặc biệt, nếu chỉ điều trị thuốc đơn thuần thì tỷ lệ tử vong là 100%.

Điều đáng lo ngại là tắc ĐMMT thường có triệu chứng đa dạng, khó chẩn đoán, dễ bị bỏ qua. Bệnh thường hay khởi phát với một đau bụng không điển hình, kèm theo rối loại tiêu hóa: Đau bụng dữ dội, nôn mửa, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, đại tiện máu, bụng trướng căng, biểu hiện của viêm phúc mạc, nhồi máu ruột non, sốt cao liên tục. Bệnh có thể tự hết và tái phát nhiều lần. Nặng hơn có thể có tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc, tình trạng sốc nặng, suy nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, gan, rối loạn đông máu...

Có nhiều nguyên nhân gây tắc ĐMMT như, xơ vữa động mạch, cục huyết khối  đến từ tim, viêm mạch máu… sẽ làm cho cục máu đông kẹt lại ở những động mạch nuôi ruột. Vì vậy, với những người có các bệnh về tim mạch, xơ vữa động máu, đái tháo đường, hút thuốc lá nhiều… nếu thấy đau bụng dữ dội không đặc hiệu, không có điểm đau khư trú…phải đi viện cấp cứu ngay.

Theo Đời sống
back to top