Suy giãn tĩnh mạch: Bệnh của người cao tuổi?

Giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở những người hay làm việc phải đứng hoặc ngồi tại chỗ quá lâu…  Bệnh có nguy cơ cao ở người cao tuổi, béo phì…

 Suy giãn tĩnh mạch: Bệnh của người cao tuổi? ảnh 1

2/3 những phụ nữ trên 50 tuổi đều bị

Bệnh này ban đầu có thể chỉ là những biểu hiện đơn giản như tê chân, nhức mỏi, phù chân… Sau một thời gian sẽ xuất hiện những biến chứng mà y học gọi là giãn tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch là biến chứng của suy van tĩnh mạch. Tức là sau một thời gian bị suy van tĩnh mạch, hiện tượng viêm và ứ trệ tuần hoàn trong lòng tĩnh mạch sẽ làm cho thành của các tĩnh mạch bị yếu đi và giãn lớn ra.

Hệ thống tĩnh mạch ngoại biên của cơ thể con người bao gồm tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên có tác dụng nối hai tĩnh mạch nông và sâu lại với nhau. Do đó, cũng có 3 loại giãn tĩnh mạch: giãn tĩnh mạch nông, giãn tĩnh mạch sâu và giãn tĩnh mạch xuyên. Trong đó, giãn tĩnh mạch nông là hay gặp nhất.

Nguyên nhân chính của giãn tĩnh mạch là do tình trạng suy van tĩnh mạch và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch cùng với hiện tượng viêm của thành tĩnh mạch. Bệnh này cũng có yếu tố di truyền, chẳng hạn như mẹ có thể di truyền cho con gái. Những người có tuổi tác càng lớn thì hay gặp phải vấn đề suy giãn tĩnh mạch chân, tuy nhiên những đối tượng hay bị giãn tĩnh mạch nhất là phụ nữ. Vì phụ nữ có nội tiết tố nữ, nếu hàm lượng nội tiết tố nữ tăng cao sẽ làm suy thành tĩnh mạch và dễ gây hình thành cục máu đông trong đó.

Suy giãn tĩnh mạch chân ở người cao tuổi.

Theo các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy rằng 2/3 những phụ nữ trên 50 tuổi đều bị suy và giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, những người bị béo phì, đi giày cao gót, mặc quần áo chật, đi hoặc đứng nhiều, làm việc trong môi trường nóng và ẩm thấp, sử dụng thuốc ngừa thai, có thai và sinh đẻ nhiều lần… cũng hay mắc phải căn bệnh này, do tăng áp lực khi đứng và cản trở dòng máu tĩnh mạch trở về tim.

Nhận biết và cách chữa trị

Triệu chứng ban đầu của suy giãn tĩnh mạch là triệu chứng tê chân, cảm giác bồn chồn ở chân, nặng hơn là nặng chân, phù chân khi đi hay đứng nhiều, chuột rút về đêm, đau chân và cuối cùng là giãn tĩnh mạch nông, nổi thành từng búi hay giãn toàn bộ trông như những con giun trên bắp chân và đùi.

Có tất cả 6 cấp độ suy giãn tĩnh mạch theo phân loại của Hội Tĩnh mạch học Thế giới. Cấp độ I: cảm giác nặng chân, tê chân. Cấp độ II: phù chân khi đi lại hay đứng nhiều. Cấp độ III: giãn và nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên bắp chân và đùi. Cấp độ IV: giãn tĩnh mạch và có thay đổi sắc tố da của chân: chân sạm màu. Cấp độ V: giãn tĩnh mạch và có những vết loét dinh dưỡng ở chân. Cấp độ VI: các vết loét dinh dưỡng này điều trị mãi vẫn không lành.

Các biến chứng khác đó là tình trạng viêm tĩnh mạch đi kèm và hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, nhất là ở các tĩnh mạch sâu, khi có điều kiện thuận lợi như thay đổi áp lực như: khi đi máy bay, ngồi quá lâu… cục máu đông sẽ theo tĩnh mạch chạy về tim và gây tắc động mạch phổi tạo nên tình trạng đột tử. Một số các biến chứng khác cũng hay gặp: phù chân và đau chân làm bệnh nhân rất khó chịu, giảm đi chất lượng của cuộc sống.

Để phòng bệnh suy và giãn tĩnh mạch, các chuyên gia khuyến cáo hạn chế đứng hoặc đi lại nhiều quá. Nên tập đi bộ chậm hay bơi lội 30 phút mỗi ngày. Chế độ ăn nhiều chất xơ và vitamin, đặc biệt là vitamin C tránh gây béo phì. Không mặc quần áo chật quá, không đi giày cao gót. Nơi làm việc phải thoáng mát. Không sử dụng thuốc ngừa thai hay sinh đẻ quá nhiều lần. Thay đổi chế độ làm việc và cách sống hay sinh hoạt hàng ngày; sử dụng vớ áp lực (có bán sẵn), dùng thuốc tăng cường sức bền thành tĩnh mạch và chống với hiện tượng viêm của tĩnh mạch.

Những người bị từ cấp độ III trở lên thường xuyên đi khám điều trị sớm. Có thể chích xơ với các tĩnh mạch thường xuyên bị giãn; sử dụng laser và sóng cao tần để triệt mạch với những tĩnh mạch hiển lớn bị giãn và có dòng trào ngược từ tĩnh mạch sâu qua tĩnh mạch nông và cuối cùng là phẫu thuật lấy đi tĩnh mạch giãn. Trường hợp phải can thiệp tĩnh mạch, cần tới những bệnh viện lớn có chuyên môn. Hiện cả nước chỉ có một số bệnh viện làm được các phẫu thuật này.

BS Nguyễn Thị Minh Hằng (Bệnh viện Quốc tế Minh Anh)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top