SOSmap: Kết nối chia sẻ khó khăn

(khoahocdoisong.vn) - Một ứng dụng di động mới có tên SOSmap đã trở thành cầu nối giữa những người có nhu cầu và những người có thể trao tặng trên khắp đất nước Việt Nam. Đến nay, sáng kiến ​​này đã giúp phân luồng hàng chục tấn lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho hàng nghìn hộ gia đình đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Cầu nối ảo giữa “trao” và “nhận”

SOSmap là ứng dụng nằm trong khuôn khổ Chương trình "Yêu thương mùa Covid" do nhóm công nghệ XTEK phối hợp với Viện Khoa học Phát triển nông nghiệp nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến (Bộ Công an) xây dựng để sẻ chia khó khăn với những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kỹ sư Phạm Thanh Vi, người sáng lập XTEK cho biết, phiên bản đầu tiên của SOSmap được phát triển vào tháng 10/2020. Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng tại TPHCM, nhóm đã dành 3 ngày liên tục để nâng cấp các tính năng để phù hợp với tình hình hiện tại. Việc sửa lỗi và tối ưu hóa cũng đã được thực hiện trong vài tuần qua kể từ khi ứng dụng ra mắt.

SOSmap được xây dựng dựa trên dữ liệu bản đồ Google Maps. Thông qua bản đồ trực quan, quản trị viên có thể biết được vị trí của những người cần cho và cần nhận, để xây dựng phương án lưu chuyển hàng hóa một cách hợp lý nhất. Dữ liệu về thông tin và số điện thoại của người đăng ký được bảo mật bằng cách che 2 số cuối của số điện thoại.

Người dùng sau khi truy cập có thể điền số lượng vật phẩm có thể cho đi hoặc đang tìm kiếm. Ở phía người nhận, các nhu yếu phẩm có thể nhận là khẩu trang, đồ bảo hộ, rau củ quả, gạo, mỳ gói, tiền mặt... Người nhận có thể đăng ký cho cả gia đình hoặc xóm ngõ, bằng cách điền số người cần hỗ trợ. Ở phía người cho, ngoài các nhu yếu phẩm (quần áo, khẩu trang, đồ bảo hộ, gạo), họ có thể đóng góp tiền mặt, sức lực hoặc phương tiện vận chuyển.

Khi khối lượng quyên góp lớn, các nhà tài trợ có thể lựa chọn phương án vận chuyển đến các kho tập trung của SOSmap tại trung tâm Sài Gòn hoặc những địa phương cần cứu trợ. Các vật phẩm sẽ được các tình nguyện viên phân phối công bằng cho những ai cần. Sau khi các mục đóng góp hoặc yêu cầu được hệ thống chấp nhận thành công, trên hệ thống bản đồ sẽ xuất hiện dạng chấm đỏ (người nhận), chấm cam (người tặng) và chấm xanh (chuyển phát thành công).

Anh Phạm Thanh Vi cho biết, nhóm nghiên cứu chú trọng nhất việc tối ưu hóa quy trình quyên góp từ thiện trong ứng dụng. Rút kinh nghiệm thực tế từ những chuyến đi từ thiện  có tặng quà chưa hiệu quả hoặc số tiền tặng không phù hợp, không trúng đối tượng, nhóm thiết kế SOSmap giải quyết tình trạng thiếu thông tin chính xác về nhu cầu hỗ trợ, vùng thừa, vùng thiếu, vùng đã được cứu trợ, mặt hàng cần cứu trợ... Qua theo dõi hiển thị trên bản đồ của ứng dụng, các nhà tài trợ sẽ biết liệu những gì họ đã cho đi có thực sự tới đúng địa chỉ người cần không.

Cần sự chung sức từ cộng đồng

Cũng theo anh Vi, nếu quan sát trên ứng dụng, nhìn vào bản đồ sẽ thấy toàn cảnh hoạt động cứu trợ. Số lượng chấm đỏ nhiều, phân bố ở các khu phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Sài Gòn. Mỗi chấm đỏ có thể là yêu cầu đại diện cho một gia đình hoặc có thể cả một con hẻm. Trong khi đó, các chấm màu cam rất ít và ở xa chấm đỏ. Tuy nhiên, một chấm cam thường đóng góp số lượng lớn, có thể cung cấp cho nhiều hộ gia đình. Ví dụ, SOSmap vừa qua đã nhận được 12 tấn gạo từ nông dân Ninh Thuận để giúp đỡ các gia đình ở Sài Gòn, ngoài ra còn có nhiều đóng góp khác từ khắp nơi trên cả nước.

Ông Lê Tuấn Can, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Khoa học Phát triển nông nghiệp nông thôn, người đồng sáng lập SOSmap cho biết, rào cản lớn nhất mà đội ngũ SOSmap gặp phải là thiếu hụt tình nguyện viên giao hàng. Hiện nhóm mong muốn được kết nối với các tổ chức đoàn, hội chữ thập đỏ... bởi số lượng người cần cứu trợ quá lớn. Việc di chuyển của các tình nguyện viên hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, trong khi hoạt động cứu trợ lại rất cấp bách không chỉ vì thời hạn bảo quản của một số thực phẩm, nhu yếu phẩm mà còn vì sự khó khăn, thiếu thốn của đồng bào tại các tâm dịch.

Tính đến nay, số lượng người đăng ký cần hỗ trợ lên tới hơn 8.000 điểm, mỗi điểm từ 3 - 20 người, áp lực cho đội ngũ điều hành SOSmap hiện tại là rất lớn. Trong khi đó, số lượng tình nguyện viên của SOSmap hiện chỉ khoảng 200 người. Hiện nay, với số lượng yêu cầu ngày càng tăng nhưng với số lượng nhân lực hạn chế, nhóm tình nguyện viên chỉ có thể xử lý khoảng 10% khối lượng công việc. Vì vậy, SOSmap cần sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ các tình nguyện viên ở các khu vực để giúp phân phối và vận chuyển đồ cứu trợ.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng tại các tỉnh thành trong cả nước, nhóm phát triển SOSmap hy vọng dự án được ủng hộ, mở rộng tại nhiều địa phương trong cả nước để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Việc số hóa các nguồn dữ liệu theo ứng dụng SOSmap không chỉ bảo đảm tính khách quan, minh bạch mà còn là thông tin để tiến hành các hoạt động điều phối, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội, sự phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhằm bảo đảm sự cứu trợ kịp thời, an toàn và hiệu quả. Người dân cả nước có thể vào website SOSmap.net hoặc gọi tổng đài 19006448 để đăng ký cho hoặc nhận hỗ trợ.

Theo Đời sống
DRAM mới của Samsung có gì đặc biệt?

DRAM mới của Samsung có gì đặc biệt?

Ba năm sau khi ra mắt RAM LPDDR5X có tốc độ 8,5 Gbps, Samsung tiếp tục đạt bước tiến đáng kể trong công nghệ chip nhớ di động khi nâng tốc độ của dòng này lên 10,7Gbps, vượt qua LPDDR5T 9,6 Gbps do SK Hynix giới thiệu năm 2023.
back to top