Nhiễm độc chì do son môi
Theo thông tin được đăng tải trên một số tờ báo, kết quả xét nghiệm máu của một cô gái ở Hà Nội tai Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy lượng chì gấp 3 lần ngưỡng cho phép, trong khi tiền sử không tiếp xúc các nguồn nhiễm trừ việc dùng son môi màu đỏ hằng ngày.
Bệnh nhân làm nghề dẫn chương trình truyền hình, có triệu chứng mất ngủ, táo bón, hay quên… nghi ngờ bị nhiễm độc chì. Bác sĩ kiểm tra răng phát hiện viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng chì lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.
Bệnh nhân cho biết không dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì, ngoại trừ việc hàng ngày sử dụng son môi đậm màu đỏ, đỏ cam. Nữ bệnh nhân được điều trị thải độc chì trong một thời gian dài và chia nhiều đợt. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc mãn tính, chì sẽ lắng đọng ở nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có xương.
Hàm lượng chì trong son không liên quan đến màu son đậm hay nhạt.
Bà Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa’s Garden cho biết, có nhiều chất phụ gia tạo màu được khai thác từ dưới lòng đất, mà phẩm khoáng là một ví dụ. Được khai khoáng lên thì trong phẩm sẽ có tạp chất.
Người ta sẽ cố gắng loại bỏ các tạp chất đi nhiều nhất có thể, nhưng chắc chắn không thể hết, và trong phẩm màu sẽ vẫn có thể chứa một số kim loại. Điều này không chỉ gặp trong phẩm màu, mà còn trong nhiều vật chất khác được khai thác từ lòng đất lên.
Theo quy định của FDA (Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), thì FDA chưa có giới hạn của chì trong mỹ phẩm. FDA chỉ có quy định giới hạn của chì trong các phụ gia tạo màu.
“Trường hợp nhiễm độc chì do son môi nêu trên có thể do nhiều nguyên nhân như loại son sử dụng, cách sử dụng, tần suất sử dụng… Hàm lượng chì trong son nói chung là rất thấp, nên để đến mức nhiễm độc chì như vậy cũng là trường hợp hiếm gặp”, bà Đỗ Anh Thư cho biết.
“Son là mỹ phẩm, theo quy định của Bộ Y tế thì nó là thứ bôi ngoài da, vì thế người tiêu dùng không nên cố tình ăn son. Còn nếu người tiêu dùng đã mua phải sản phẩm không an toàn và nghi có chì, thì không có cách sử dụng nào an toàn đối với sản phẩm như thế”,
Bà Đỗ Anh Thư
Son đậm màu bị “oan”
Son màu càng đậm thì hàm lượng chì càng nhiều? Bà Đỗ Anh Thư cho rằng. điều này không có cơ sở xác thực. Năm 2010, cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ có thu thập 400 mẫu son trên thị trường Mỹ và kiểm tra, thì sản phẩm có hàm lượng chì cao nhất là Maybelline dòng Color Sensation, sản phẩm Pink Petal, số lô FF205. Đây là thỏi son có màu rất nhạt.
Những thông tin này được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông. Hiểu theo lối logic thông thường là việc đưa chì vào son nhằm tăng khả năng giữ màu, thì đồng nghĩa son càng đậm, càng nhiều chì, là cách hiểu chưa đầy đủ.
Không ai tự dưng cho thêm chất độc (chì) vào son. Như đã nói, bản thân phẩm màu đã chứa một số chất kim loại, trong đó có chì. Nên nếu không được xử lý thì son nào cũng có thể có chì, không phụ thuộc vào màu sắc đậm nhạt.
Cũng theo bà Đỗ Anh Thư thì một điều rất khó nữa là không thể nhận biết son có nhiễm chì hay không bằng mắt thường hay dùng các biện pháp thủ công như dùng nhẫn vàng, bạc để thử.
Được biết các trung tâm kiểm nghiệm tại các sở y tế sẽ có dịch vụ kiểm tra nồng độ chì trong mỹ phẩm. Đây là dịch vụ được thực hiện khi người tiêu dùng có yêu cầu.
Chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng một mẫu. Cho đến nay, dịch vụ này vẫn tồn tại có nghĩa là không có các biện pháp nhận biết thủ công để thay thế cho dịch vụ đó.
Vậy cách sử dụng son thế nào cho an toàn? Về cơ bản thì nếu người tiêu dùng mua sản phẩm có tên tuổi tại những địa chỉ phân phối uy tín, thì chỉ cần sử dụng theo đúng hướng dẫn sử dụng của sản phẩm là an toàn.
Bảo Khánh