Sốc phản vệ khi tự mua thuốc ho điều trị

Bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi uống thuốc ho. Hai giờ sau khi uống thuốc, bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, rét run, khó thở, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm.

Bác sỹ Lương Minh Tuấn trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân T.

Sốc phản vệ sau khi uống thuốc ho

Bệnh nhân được người nhà đưa đến phòng cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vào lúc 1h sáng ngày 11/8/2018.

Bệnh nhân D. V. T, 75 tuổi trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ngứa khắp cơ thể, rét run, thể trạng già yếu, khó thở.

Với tâm trạng lo lắng, người nhà bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân T. bị ho đã nhiều ngày, không khỏi. Chứng kiến cảnh những cơn ho không dứt, xót ruột, và cũng theo thói quen tự điều trị với những căn bệnh “xoàng”, gia đình tự mua thuốc gồm: Cefalexin 500mg, alpha, Dextromethorphan cho bệnh nhân uống.

Khoảng 22h ngày 11/08/2018 bệnh nhân uống mỗi loại một viên. 2h sau khi uống các loại thuốc trên thì bệnh nhân  T. xuất hiện các triệu chứng ngứa, nổi ban đỏ toàn thân, rét run người, khó thở, gia đình ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Qua lâm sàng và khai thác tiền sử của bệnh nhân các bác sỹ chẩn đoán nhanh bệnh nhân bị sốc phản vệ. Phác đồ điều trị là cấp cứu tiêm ngay Adrenaline, ½ ống tiêm bắp, 5 phút sau tiếp tục tiêm ½ ống Adrenaline tiếp theo.

Sau hai mũi tiêm bệnh nhân hết khó thở, tình trạng ban đỏ toàn thân giảm nhanh, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát tại phòng cấp cứu. Sau 30 phút ổn định, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện theo dõi tích cực.

Tự mua thuốc điều trị – thói quen nguy hiểm

Bác sỹ Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa HSCC bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết: Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc phản vệ và được cấp cứu kịp thời.

Sốc phản vệ là một phản ứng nguy hiểm có thể nhanh chóng đưa bệnh nhân đến tình trạng nguy hiểm do biến chứng co thắt đường thở, suy tuần hoàn.Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian ngắn.

BS Tuấn cho biết, người dân Việt Nam vẫn có thói quen khi bị những bệnh “xoàng” thì ra hiệu thuốc tự mua về điều trị. Đây là một thói quen hết sức nguy hiểm.

Nhất là đối với các trường hợp bệnh phức tạp, nguy hiểm như viêm ruột thừa hay phúc mạc ruột thừa, viêm vòi trứng, thai ngoài tử cung… Nếu thấy đau bụng, mà đi mua thuốc giảm đau, hoặc chống co thắt giảm đau thì cơn đau bụng giảm, nhưng bệnh lại vẫn đang tiến triển. Chính điều này sẽ khiến cho việc cấp cứu bị trễ, hậu quả khó lường trước được.

Hoặc có những căn bệnh dùng sai thuốc điều trị. Ví dụ, bệnh cảm cúm, thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị cảm cúm. Nhiều người cứ thấy ho, sốt là đi mua kháng sinh về dùng. Bệnh không khỏi mà lại gây ra lờn thuốc, kháng thuốc.

Đặc biệt, là trường hợp bị sốc phản vệ như bệnh nhân T. Cơ thể con người có những sự phản sứng riêng biệt, có thuốc dành cho người này không sao, nhưng với người kia lại bị phản ứng. Và các thuốc đặc trị cũng đều có thể gây ra phản ứng.

Vì thế, các bệnh nhân cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc, cần khám và sử dụng thuốc theo đơn của bác sỹ, không tự ý mua thuốc khi không có lời khuyên của bác sỹ. Sau khi sử dụng thuốc nếu cơ thể xuất hiện những phản ứng bất thường như nổi ban đỏ, ngứa, khó thở, tức ngực cần đến ngay cở sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Mai Nguyễn

Khi mắc bệnh, nhất định phải đến gặp BS để được khám và tư vấn về việc điều trị. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, cho con bú, người cao tuổi, khi sử dụng thuốc thì càng cần phải có sự tư vấn và chỉ định của thầy thuốc. Không nên tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh và thuốc đặc trị, đặc biệt là dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng. Ví dụ, dùng thuốc coticoides để điều trị đau nhức và dùng lâu dài có thể gây phù, loãng xương, cao huyết áp, nhưng dùng đúng thì lại rất hiệu quả trong việc chống viêm. Một loại thuốc mà nhiều người tự ý mua dùng đó là thuốc bôi ngoài da, và nghĩ đó là vô hại. Nhưng thực tế, thuốc bôi ngoài da sẽ ngấm qua da và đi vào hệ tuần hoàn. Trong các thuốc bôi ngoài da có chứa nhiều hóa chất và có thể gây dị ứng nguy hiểm đối với một số người.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top