Sau tiêm và mắc Covid-19, trẻ không nên vận động nặng

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhi sau mắc Covid-19 cũng cần chú ý khi tập thể thao và vận động trở lại. Đặc biệt, không nên cho trẻ hoạt động thể chất quá sức trong khoảng 1 tuần đầu hoặc lâu hơn sau mỗi mũi tiêm.

Tránh vận động mạnh, gắng sức

TS.BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi tiêm văcxin, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức, hay chơi thể dục thể thao.

"Bởi sau khi tiêm văcxin, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ. Vùng bắp tay tại vị trí tiêm thường sẽ bị đau nhiều, ngoài ra có thể có các hội chứng viêm tại vùng tiêm, do đó nếu vận động nhiều sẽ làm tăng chuyển hóa, phản ứng tiêm tại chỗ", TS.BS Nguyễn Huy Luân giải thích.

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên cho trẻ hoạt động thể chất quá sức trong khoảng 1 tuần đầu hoặc lâu hơn sau mỗi mũi tiêm. Cơ quan y tế Bỉ về một số trường hợp gặp vấn đề về tim phải nhập viện ở vận động viên đua xe đạp từ 15 - 17 tuổi thi đấu ngày thứ 2 sau khi tiêm văcxin phòng Covid-19. Tại Singapore, một thiếu niên 16 tuổi bị ngưng tim sau khi tập nâng tạ 6 ngày sau tiêm văcxin phòng Covid-19.

tre-choi.jpg
Sau tiêm và mắc Covid-19, trẻ không nên vận động nặng - Ảnh minh họa

BSCKII Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, bệnh nhi sau mắc Covid-19 cũng cần chú ý khi tập thể thao và vận động trở lại. Bởi trong khi hầu hết trẻ phục hồi sau mắc Covid-19 một cách hoàn toàn, đôi khi virus có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài. Một trong những tác động đó có thể là tổn thương cơ tim.

Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ hậu Covid-19, việc cho trẻ vận động thể chất trở lại cần cân nhắc đúng thời điểm và thận trọng về hình thức, giúp trẻ lấy lại sức khỏe tối ưu như trước khi mắc bệnh cũng như phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tập thể dục đúng cách

Tốt nhất, cho trẻ vận động bằng cách tham gia lại các môn thể thao, hoạt động thể chất với bạn bè sẽ có lợi cho cả sức khỏe và tâm lý. Các hoạt động này sẽ cho phép trẻ phục hồi sau mắc Covid-19 toàn diện, cải thiện sức khỏe tim mạch và sức cơ nói riêng. Hơn nữa, tập thể dục cũng có lợi cho hệ thống miễn dịch đáp ứng đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trẻ phục hồi sau mắc Covid-19 chơi các môn thể thao có tính cạnh tranh sẽ có nguy cơ mắc biến cố tim mạch cao nhất. Dù rằng trẻ nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng tập luyện thể chất quá sớm, nhất là khi có cường độ nặng hay mang tính đối kháng, sau khi hồi phục Covid-19 lại có nhiều khả năng gây căng thẳng cho cơ tim.

Do đó, trẻ chỉ được vận động khi trẻ phục hồi sau mắc Covid-19 hoặc ít nhất 10 ngày sau khi xét nghiệm ra bệnh và trẻ không có triệu chứng. Đối với trẻ nào mắc bệnh Covid-19 mức độ trung bình hoặc nặng, trẻ luôn cần phải được kiểm tra các triệu chứng và thăm khám toàn diện trước khi cho trẻ vận động trở lại. Nếu trẻ đã từng mắc Covid mức độ nặng đến nguy kịch, tuyệt đối phải đến gặp bác sĩ Tim mạch và nên hạn chế hoạt động thể lực trong tối thiểu từ ba đến sáu tháng. Trẻ chỉ trở lại tập luyện khi bác sĩ tim mạch cho biết mọi thứ đã ổn định.

Khi trẻ trở lại với các môn thể thao, cha mẹ phải chú ý đến các phàn nàn về đau ngực, tim đập nhanh hoặc khó chịu, khó thở không tương ứng với mức độ tập thể dục, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Nếu trẻ gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số đó hoặc các triệu chứng liên quan khác, hãy yêu cầu trẻ dừng hoạt động và đến bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.

 Cần tránh tập khi: Sốt cao trên 39 độ kéo dài trên 2 ngày; Khó thở nặng, SpO2 < 92% khi nghỉ; Nhịp thở > 24 lần/phút; Nhịp tim trên 105 lần/phút; Huyết áp thấp hơn huyết áp trung bình 30 đơn vị; Đau ngực; Chóng mặt hoặc đau đầu; Không ăn uống được trong vòng 12 tiếng.

Theo Đời sống
back to top