Sau một năm thành công, nông sản tiếp tục cần giải cứu

(khoahocdoisong.vn) - Sau năm 2020 thành công khi nông sản được mùa được giá, nhưng mới đầu mùa vụ thu hoạch năm 2021, tình trạng nông sản được mùa mất giá tiếp tục tiếp diễn. Câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường ở đâu” vốn đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến nay loay hoay chưa thể trả lời.

Đến mùa giải cứu

Gần đây, hàng tấn nông sản của người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đang phải đổ bỏ vì chẳng có ai thu mua. Một số chủ ruộng cho biết giá bán chỉ bằng 1/6, 1/7 so với mức giá bình thường. "Bọn em bán có 1.000đ/1kg. Giá này lỗ to nhưng vẫn phải chịu khó nhặt nhạnh để kiếm lại tí tiền", một người trồng củ cải cho hay.

Trong khi đó, báo cáo của huyện Mê Linh cho biết, sản lượng rau các loại vụ đông năm 2020 là khoảng 14.500 tấn. Dự kiến khoảng 15 ngày nữa, người nông dân Mê Linh tiếp tục thu hoạch khoảng 1.000 tấn củ cải, cà chua. Riêng một số diện tích củ cải quá lứa đã ra hoa nên phải sơ chế hoặc tiêu hủy làm phân hữu cơ.

Giá rau củ vài ngày qua xuống thấp, củ cải 1.000 đồng/kg, cà chua từ 1.000 - 1.500đ/kg, cà rốt 2.000đ/kg. 

Lý giải nguyên nhân cung vượt cầu ở Mê Linh, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, năm nay thời tiết thuận lợi, nên được mùa rau màu vụ đông xuân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sức mua thông qua kênh bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng 2/2020 giảm 16,7% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp và trường học đóng cửa, cũng là nguyên nhân cộng hưởng dẫn đến sức mua giảm.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết đã có kế hoạch phối hợp với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp sản xuất nhằm trợ giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nếu có tình trạng cung vượt cầu…

Không chỉ riêng địa bàn TP Hà Nội mà ở hầu hết các địa phương trên cả nước cũng xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là rau, củ quả vụ đông xuân và thủy sản.

Tại Nghệ An, nhiều ruộng rau đang bị bỏ héo vì giá xuống thấp quá không đủ tiền công thu hoạch. Một người nông dân trồng rau tại xã Diễn Phong (Diễn Châu) cho biết, các loại rau, trong đó có bắp cải rất rẻ, từ 300 – 600đ/kg nhưng vẫn không có người mua. Với mức giá này, người nông dân không đủ tiền giống, phân bón chứ đừng nói gì tới tiền công.

Tại Kiên Giang, đặc sản xoài cát Hòa Lộc cũng chịu chung cảnh ngộ rớt giá thê thảm sau Tết. Hiện xoài cát Hoà Lộc bao quả có giá dao động từ 18.000 – 20.000đ/kg đối với xoài xô; xoài nhất loại 750g - 1kg/ trái, có giá từ 38.000 - 40.000đ/kg. Theo nhiều hộ dân cho biết, mức giá này giảm 3 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. 

Tại Tuyên Quang, khoảng 90.000 tấn cam sành chỉ còn giá 4.000đ/kg, trong khi đó các năm trước, giá cam sành vào khoảng 8.000 - 10.000đ/kg. Nguy cơ một năm thất thu đang hiện hữu đối với người dân trồng cam ở địa phương này.

Chuyện muôn thủa

Việc nông sản được mùa mất giá đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Những cuộc “giải cứu” thanh long, dưa hấu… đến nay không còn là điều xa lạ đối với người dân các thành phố lớn.

Nguyên nhân của việc nông sản cần giải cứu cũng đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ rất nhiều. Như tại Hà Nội, nguyên nhân được chỉ ra là do người dân trồng gối vụ, bình quân các năm khoảng 4 vụ, năm nay thời tiết thuận lợi nên được 5 vụ, dẫn đến tình trạng dư thừa.

Nhưng sâu xa hơn, là chính sách khuyến nông của địa phương chưa ổn, thiếu những khuyến cáo người dân về tình trạng dư thừa có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chính quyền cũng thiếu quyết liệt trong việc hỗ trợ người nông dân tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Như tại Hà Nội, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo các trung tâm thương mại trên địa bàn như BigC, Hapro, VinMart đều cho biết sẵn sàng hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Song song với đó, Chính phủ đã ban hành nghị định khuyến khích kết nối đưa nông sản tới các kênh thị trường khác nhau như doanh nghiệp chế biến, hệ thống siêu thị, hay chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc nông sản để hư thối tại đồng ruộng cũng cho thấy tính kém khả thi của việc khuyến khích này. Nguyên nhân chủ yếu nông sản khó tham gia các chuỗi này là vì không đáp ứng được điều kiện tiêu chuẩn chất lượng.

Thực ra việc kết nối, nâng cao chất lượng nông sản từ lâu đã được Nhà nước quan tâm. Điển hình như Chương trình 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2017 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rõ ràng trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng cường chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên đến nay, nông sản chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc tiểu ngạch sang Trung Quốc. Các thị trường lớn và có yêu cầu khắt khe về chất lượng như EU hay Austraylia, Nhật Bản, Hàn Quốc... mới chỉ có một số ít nông sản của các nhà cung cấp được đầu tư bài bản tiếp cận được.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, ngành nông nghiệp hiện vẫn giữ nguyên kết cấu sản xuất cũ của nhiều năm trước đây. Người nông dân chỉ có một cách duy nhất là sản xuất càng nhiều, hàng hóa càng rẻ để bù đắp lại, nên sản xuất thừa nông sản là hệ quả tất yếu.

Có lẽ, đã đến lúc Việt Nam cần tính toán lại chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung nâng cao giá trị nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, đánh giá đúng vai trò của thị trường trong nước, hạn chế lệ thuộc vào bên ngoài.

Theo KH&ĐS
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top