Sắt trong động vật dễ hấp thụ

(khoahocdoisong.vn) -Đối tượng dễ thiếu sắt là trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, trẻ bú sữa công thức hoàn toàn, trẻ 180 ngày tuổi mà chưa ăn dặm, trẻ uống sữa quá nhiều mà không bổ sung sắt, trẻ bị bệnh mạn tính, trẻ gái bị mất chất sắt khi hành kinh…

Tại sao nữ dễ thiếu sắt hơn nam

Thiếu máu do thiếu sắt làm cho trẻ chậm lớn, khả năng đề kháng kém, dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp. Với trẻ lớn bị thiếu máu còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, hay mệt mỏi, chậm tiếp thu, sức học giảm sút.

Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, trẻ thiếu sắt khi làm bài kiểm tra toán thường có điểm dưới trung bình. Việc thiếu sắt sẽ làm giảm lượng chất sắt dự trữ trong não, tác động không tốt đến các enzym và tế bào thần kinh vốn ảnh hưởng đến khả năng học hành. ở lứa tuổi dậy thì, trẻ gái bị thiếu sắt nhiều hơn bé trai do sự mất máu khi có kinh. Thói quen ăn uống của bé trai cũng giúp cơ thể được bổ sung nhiều sắt hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng QG cho biết, để biết trẻ có thiếu sắt không, xét nghiệm máu sẽ cho kết quả chính xác nhất. Một số dấu hiệu bên ngoài chẩn đoán trẻ thiếu sắt như da nhợt nhạt, lòng bàn tay nhạt màu, trẻ hay mệt mỏi, hay quấy khóc. Trẻ bị thiếu sắt sẽ bị suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chậm phát triển trí lực, não bộ. Để phòng tránh thiếu sắt ở trẻ, trong năm đầu tiên của cuộc đời trẻ tăng trưởng rất nhanh, do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất.

Sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỉ lệ hấp thu cao. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Sắt cần cho quá trình tăng trưởng các mô ( tổ chức, cơ quan ) và tăng khối lượng hồng cầu. Nhu cầu sắt cho 1 kg thể trọng trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn cho trẻ lại ít hơn, chính vì lý do đó ở Việt Nam, trẻ dưới 2 tuổi thiếu sắt chiếm tỷ lệ lớn.

Sắt dễ hấp thụ và khó hấp thụ

Để bổ sung lượng sắt bị thiếu hụt cho cơ thể trẻ, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu sắt, mẹ cần uống sắt sau đó cho bé bú để cơ thể hấp thu sắt qua đường sữa mẹ. Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt. Khi trẻ có thể tiêu thụ các thức ăn rắn, mẹ nên chọn thực phẩm nhiều chất sắt (các loại ngũ cốc cho trẻ nhỏ).

Trẻ lớn có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt như rau lá xanh, các loại đậu, thịt đỏ, cá, gà. Trẻ từ 1 – 5 tuổi, lượng sữa bò tiêu thụ nên hạn chế ở mức 710ml/ngày. Hiện nay người ta chia sắt thành 2 loại là heme iron (trong các sản phẩm từ động vật) và non - heme (trong thực vật). Heme iron dễ hấp thụ hơn trong khi non - heme iron  khó hấp thụ. Các loại thịt màu đỏ như bò, lợn, cừu rất giàu chất sắt và dễ dàng được cơ thể hấp thụ.

Thịt càng sẫm màu, càng chứa nhiều chất sắt. Với thịt gia cầm, ăn thịt đùi chứa nhiều sắt hơn, cá béo và động vật thân mềm chứa nhiều sắt. Với các loại thực vật, khi ăn nên chọn các loại rau có lá xanh như muống, cải xoong, cải xoăn chứa nhiều sắt. Các loại đậu đỗ, vừng cũng chứa rất nhiều sắt. Khi ta ăn thực phẩm giàu sắt thì phải nhớ bổ sung thêm vitamin C trong rau quả để giúp cơ thể  hấp thụ chất sắt. Ngoài ra không dùng sữa vì sữa lại kiềm chế cơ thể hấp thụ sắt.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top