Sai phạm của Dược Mỹ phẩm Medugroup

Quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; không thông báo cơ quan chức năng trước khi tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm…là những vi phạm của Dược Mỹ phẩm Medugroup.

Bị phạt 127 triệu đồng

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực y tế của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup (Dược Mỹ phẩm Medugroup, ở xóm 1, thôn Dư Xá, xã Hoà Nam, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) bị phạt 127 triệu đồng do có sai phạm tại cơ sở số 38 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM.

Thông tin xử phạt Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP HCM.

Thông tin xử phạt Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP HCM.

Cụ thể, Dược Mỹ phẩm Medugroup vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hoá có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hoá (lô hàng bao gồm 200 hộp sản phẩm Medulax Expert Peeling Serum, giá trị lô hàng vi phạm 8 triệu đồng).

Công ty này còn quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định; không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện giới thiệu mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.

Ngoài phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt bổ sung, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; thu hồi hàng hóa, phải ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; thu hồi, tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa.

Dược Mỹ phẩm Medugroup phải nộp 8 triệu đồng bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu huỷ trái quy định; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Dược Mỹ phẩm Medugroup bị xử phạt do có vi phạm tại cơ sở số 38 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, địa chỉ này là nơi hoạt động kinh doanh của Eden Star hotel. Ảnh: Hữu Thông.

Cơ sở vi phạm không tồn tại trong thực tế?

Theo thông tin xử phạt của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, PV tìm đến số 38 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM, nhưng không thấy cơ sở của Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup. Địa chỉ này là nơi hoạt động kinh doanh của Eden Star hotel từ nhiều năm.

Nhân viên Eden Star hotel cho biết, toàn bộ tòa nhà là khách sạn, không cho thuê làm văn phòng nên không có cơ sở của Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup đặt văn phòng tại đây?

Truy cập website có địa chỉ https://medulux.vn, dưới chân trang thông tin: Công ty TNHH Dược mỹ Phẩm Medugroup, xóm 1, thôn Dư Xá, xã Hoà Nam, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Điện thoại (+84) 0984027402. PV nhiều lần liên hệ theo số điện thoại trên nhưng không liên lạc được.

Website https://medulux.vn giới thiệu các sản phẩm Meso: Medulux M100, Medulux M20, Exo Nano. Ảnh chụp màn hình.

Trang web trên giới thiệu các sản phẩm Meso: Medulux M100, Medulux M20, Exo Nano với dòng quảng cáo: “Các sản phẩm Medulux M100 và Medulux M20 có thể được kết hợp với sản phẩm Botox qua da theo 3 quy trình: Xóa nhăn, trắng da, trị nám”. Thông tin về sản phẩm Medulax Expert Peeling Serum đã bị gỡ.

Luật sư Nguyễn Văn Lập - Đoàn luật sư TP HCM - cho rằng, cần làm rõ việc Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Medugroup và cơ sở vi phạm có hoạt động tại địa chỉ đăng ký hay không.

Ông Lập dẫn khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP, cho hay: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 120 triệu đồng (với hàng hóa giá trị từ 5 triệu đến trên 100 triệu đồng).

Một số trường hợp cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm liên quan chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; thu hồi, tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm …

Thông thường, người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ loại sản phẩm bán và lưu hành trên thị trường thông qua nhãn hiệu hàng hóa. Nếu hàng không có tem, nhãn phụ, người tiêu dùng chẳng khác nào "mò kim đáy biển", nguy cơ cao “dính” hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng.

Chị Nguyễn Ngọc Lan (quận Tân Bình, TP HCM) chia sẻ kinh nghiệm của mình rằng, muốn tìm hiểu bất kỳ sản phẩm nào về nguồn gốc, thành phần, đều phải gọi hỏi nhân viên giới thiệu, rất mất thời gian, để có sự so sánh giữa các sản phẩm với nhau trước khi mua. Nếu có nhãn phụ tiếng Việt dán trên bao bì sản phẩm, dù không dám chắc tem hay nhãn phụ đó thật hay giả, người mua cũng yên tâm hơn.

Chị Phạm Thị Tuyền (quận 3, TP HCM) nêu thực tế, nhiều mặt hàng liên quan sức khỏe, mỹ phẩm mặc dù được quảng cáo là hàng nhập khẩu, nhưng sản phẩm toàn chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tôi thấy không có tem, nhãn phụ để nhận biết có những công dụng, thành phần gì nên không mua sản phẩm như thế. Tôi cũng khuyên người thân, bạn bè không nên mua khi không rõ thông tin, nên lựa chọn mua hàng ở những địa điểm uy tín, có đầy đủ tem, nhãn phụ để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng", chị Tuyền nói.

Theo Đời sống
back to top