Rối loạn chức năng khớp cùng chậu

(khoahocdoisong.vn) - Rối loạn chức năng khớp cùng chậu phổ biến ở phụ nữ trẻ và trung niên. Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh dễ bị đau khớp cùng chậu hơn.

Rối loạn chức năng ở khớp cùng chậu (Sacroiliac joint), còn được gọi là khớp SI, đôi khi có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng và/hoặc đau chân. Đau chân do rối loạn chức năng khớp cùng chậu có thể khó phân biệt với đau chân lan xuống do căn nguyên thoát vị đĩa đệm thắt lưng (đau thần kinh tọa) vì chúng khá giống nhau.

Trong nhiều thập kỷ, khớp cùng chậu bị nghi là nguyên nhân phổ biến của đau thắt lưng và/hoặc đau chân, mặc dù khó để kiểm tra chẩn đoán chính xác. Ngày nay người ta ước tính rằng khớp cùng chậu đóng góp trong khoảng 15% đến 30% các trường hợp đau lưng dưới.

dau-lung-do-roi-loan-chuc-nang-khop-cung-chau.jpg
Đau khớp cùng chậu.

Khớp cùng chậu là chỗ nối xương chậu (mào chậu) với xương cùng, xương cùng hình tam giác nằm giữa cột sống thắt lưng và xương cụt (coccyx). Chức năng chính của khớp cùng chậu là giảm lực ép giữa nửa trên cơ thể với xương chậu và chân.

Các khớp cùng chậu thường ít chuyển động. Các chuyển động nhỏ của khớp giúp cho giảm sóc và sự uốn cong của cơ thể về phía trước/sau. Khớp được giữ vững bởi các dây chằng bao quanh, một trong số các dây chằng đó kéo dài và mở rộng ra phía ngoài khớp ở phía sau khung chậu. Mạng lưới các mô mềm này giúp hỗ trợ, hạn chế di động tại khớp và hỗ trợ hấp thụ lực.

Các cơ khác giúp hỗ trợ chức năng khớp cùng chậu bao gồm cơ mông lớn và cơ tháp.

Các cơ chế chính của rối loạn chức năng khớp SI bao gồm:

Di chuyển quá nhiều (tăng biên độ vận động của khớp hoặc khớp không vững) của khớp cùng chậu có thể khiến xương chậu mất ổn định và dẫn đến đau. Đau do di chuyển quá nhiều thường xuất hiện ở vùng thắt lưng và/hoặc hông và có thể lan ra vùng háng.

Di chuyển quá ít (giảm mức độ vận động hoặc sự cố định) có thể gây căng cơ, đau và có thể ức chế vận động. Đau thường xuất hiện ở một bên của thắt lưng hoặc mông và có thể lan xuống mặt sau chân (tương tự như đau thần kinh tọa).

Viêm khớp cùng chậu cũng có thể gây ra đau vùng chậu và cứng khớp. Rối loạn chức năng khớp cùng chậu có thể gây viêm, hoặc viêm có thể xảy ra ở khớp cùng chậu bình thường mà nguyên nhân do nhiễm trùng, tình trạng thấp khớp hoặc do nguyên nhân khác.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Một số trường hợp, hạ canxi máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết...
back to top