Thiếu hụt nguồn cung
Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại các chợ truyền thống, sườn non loại 1 đã lập “đỉnh” 280 nghìn đồng/kg những ngày gần đây. Giá thịt lợn thành phẩm trung bình ở mức 160 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg. Tại các hệ thống siêu thị, giá thịt lợn bình ổn hơn. Theo bảng giá ngày 18/12, sườn non loại 1 có giá 230- 260 nghìn đồng/kg; thịt lợn thương phẩm tùy loại từ 140-165 nghìn đồng/kg (CP Foods); 139-185 nghìn đồng/kg (Vissan).
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với tuần trước). Giá thịt lợn hiện vẫn tiếp tục tăng và đang ở mức rất cao. Dự báo nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tháng cuối năm 2019 và dịp Tết dù giảm nhẹ khoảng 5 đến 10% so đỉnh điểm năm 2018, nhưng sẽ vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 300 đến 320 nghìn tấn/tháng, nhất là trong bối cảnh nguồn cung trong nước tiếp tục thiếu hụt.
Nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung đang bị thiếu hụt, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch chưa được khống chế, chưa có văcxin chống dịch.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2019 đàn lợn cả nước đã giảm 22% so cùng kỳ năm 2018. Tại một số vùng nuôi lợn trọng điểm như Hà Nam, tổng đàn lợn giảm hơn 20% so năm 2018. Tại Đồng Nai - thủ phủ nuôi lợn của cả nước, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh cho biết tổng đàn lợn đã giảm khoảng 50% so trước khi xuất hiện dịch tả.
Do dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch, chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... Mặt khác, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm sẽ tăng, một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất đã “găm” hàng, chờ giá cao hơn mới bán khiến nguồn cung càng thiếu hụt.
Sẽ nhập khẩu khi có nhu cầu
Trước diễn biến thịt lợn tăng giá cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đã có cuộc họp chỉ đạo các bộ ngành nỗ lực bình ổn giá. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai hàng loạt các giải pháp.
Bộ Công Thương đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung cũng như mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu;... 10 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu 96 nghìn tấn thịt lợn, chủ yếu từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ, Hà Lan.
Theo báo cáo, Sở Công thương TPHCM đã huy động các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác (Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong 45 ngày trước, trong và sau Tết). Sở Công Thương tỉnh Ðồng Nai cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nguồn dự phòng khoảng 30 tỷ đồng phòng khi xảy ra khan hiếm thịt lợn hoặc sốt giá sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất để doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Báo cáo của các tỉnh biên giới phía bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ðiện Biên, Lai Châu… cho thấy, trong thời gian gần đây có việc một số xe vận chuyển lợn từ nội địa lên phía biên giới nhưng lượng không nhiều và chỉ đưa vào phục vụ người dân địa phương tại các khu dân cư, không phải đưa qua biên giới vì phía Trung Quốc cũng ngăn chặn lợn đưa sang biên giới do lo ngại dịch tả lợn châu Phi lây lan.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ đều khẳng định đảm bảo nguồn thịt lợn giá tốt cho người tiêu dùng trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Thậm chí, hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ hiện chỉ phân phối thịt lợn trong nước cũng cho biết sẽ tính đến phương án nhập khẩu nếu sản lượng hiện có không đủ phục vụ người dân. Khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm thay thế khác như thịt bò, gia cầm, thủy sản. Người tiêu dùng nên mua thịt lợn tại các siêu thị bình ổn giá.