Sông Hồng đoạn qua TP. Hà Nội từ lâu đã thành điểm nóng không chỉ về rác thải gây ô nhiễm môi trường, mà từ các loại rác thải này dần biến thành những khu đất tư nhân. Hoạt động dùng rác thải để lấn chiếm bãi sông Hồng đã có từ rất lâu, nhưng chính quyền lại kêu trong công tác quản lý và xử lý.
Dùng rác lấn sông
Một trong những điểm đen về rác thải ven bãi sông Hồng phải kể đến địa bàn phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Tại khu vực bãi giữa sông Hồng rất dễ nhận thấy những đống rác thải công nghiệp cao vài mét, nằm chình ình trong các con lạch, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Để che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng đổ trộm phế thải chọn những vị trí nằm sâu bên trong bãi giữa hoặc khu vực ven sông. Nhiều lần chính quyền ra quân dẹp nạn “rác tặc”, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Những đống rác tiếp tục xuất hiện, đội quân chở rác thuê trực chờ đêm đến là đổ trộm.
Phế thải xây dựng tràn ngập bãi sông Hồng. |
Theo người dân, mỗi ngày có tới hàng chục xe tải vận chuyển rác vào đây. Người dân cũng đã báo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc xử lý gần như bằng không. Chính vì vậy, những đống rác thải to như núi mới mọc lên ở khu vực này, bóp nghẹt dòng chảy của sông Hồng.
Ông Đặng Hữu Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân, cho biết: Việc đổ phế thải và san lấp hành lang sông Hồng là vi phạm pháp luật. Phường từng lập biên bản, lập cả barie, lắp camera để theo dõi không cho xe tải chạy vào, để ngăn chặn các hành vi đổ đất và phế thải. Tuy nhiên, địa bàn phường rất rộng lại không biết các đối tượng sẽ đổ trộm rác vào lúc nào nên mới xảy ra tình trạng trên.
Còn tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình thì luôn tồn tại những đống phế thải nằm án ngữ sát nhánh sông Hồng. Tại đây, những bãi rác tự phát ngày đêm bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo người dân địa phương, những bãi rác thải đó được tập kết đã lâu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau mỗi lần chính quyền ra quân dọn dẹp là chỉ vài ngày sau, hiện trạng cũ được tái lập. Thậm chí, rác từ các phường khác cũng được đội quân vận chuyển rác đem đến đây để đổ trộm.
Nhiều vị trí tại bãi sông Hồng được kè bằng những bao phế thải hòng lấn chiếm đất bãi. |
Ngược bãi sông Hồng đến gầm cầu Chương Dương thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cũng với tình trạng rác thải nhưng còn táo bạo và ghê gớm hơn nhiều. Ngay dưới tấm biển cấm do UBND phường Phúc Tân dựng lên với nội dung “Cấm lấn chiếm đất (kể cả việc lấn chiếm để xây dựng và trồng cây); vứt rác, đổ phế thải, vật liệu xây dựng” lại chính là một bãi rác đúng nghĩa.
Từ gạch vỡ, bê tông, chai lọ, xỉ thải đến bàn ghế, cửa gỗ… la liệt chồng đống lên nhau. Bãi rác thải này đã có từ rất lâu, phần lớn rác thải là vật liệu xây dựng với ý định lấn chiếm. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì ý định đó không thành vì gặp phải sự đấu tranh mạnh mẽ của nhiều người và sự vào cuộc, cắm biển bảng, quây lưới của UBND phường Phúc Tân.
Không lấn chiếm được đất, nhưng bãi rác đã hình thành và tạo thói quen xả rác của người dân nơi đây. Những bao tải đựng phế thải, xỉ than lẫn chăn bông, kính vỡ ngày một nhiều đang nhăm nhe “nuốt” bãi sông Hồng.
Rác thải các loại "tọa" ngay dưới gầm cầu Chương Dương. |
Rác lấn bãi sông, chính quyền bận họp
Cách đó một đoạn không xa, sau ngõ 299 đường Bạch Đằng thuộc địa phận phường Chương Dương, những túp lều tạm bợ được dựng trên bãi sông, bao quanh là rác thải cùng lưới quây nuôi gà vịt gây ra mùi xú uế vô cùng khó chịu.
Thậm chí, nhiều khu đất đã được “lấn chiếm thành công”, và người ta xây dựng trên đó hoặc là nhà ở, hoặc là một cái nhà vệ sinh, hoặc một vùng đất bằng để trống thành nơi đỗ xe.
Cách xếp bao phế thải kè móng lấn chiếm đất tại phường Chương Dương. |
Sau con ngõ 299 này, theo quan sát của phóng viên Báo KH&ĐS thì một khoảnh đất bãi rộng gần trăm mét đang được lấn chiếm bằng cách đổ phế thải lấp bãi nâng cao nền móng. Những bao tải được kè cao đến vài mét đã hình thành về cơ bản, bên trên tiếp tục được đổ phế thải.
Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là chính quyền phường Chương Dương lại không hề hay biết. Vì ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Chương Dương đang đi học tại Hà Đông nên phóng viên phải phỏng vấn qua điện thoại, ông Vĩnh nói địa bàn phường không có điểm đen rác thải nào, cũng không có khu vực nào bị rác thải lấn chiếm.
Lều lán lấn chiếm trên đất bãi, hình thành những xóm liều. |
Đến khi chúng tôi nêu rõ địa chỉ, thì ông Vĩnh nói sẽ cho kiểm tra và đề nghị phóng viên liên hệ với Phó chủ tịch phụ trách. Tuy nhiên, khi liên hệ được với ông Phạm Việt Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Chương Dương thì ông Hưng cũng không biết trên địa bàn có tình trạng rác thải lấn chiễm bãi sông. Ông Hưng cũng không trả lời gì thêm với lý do “đang họp trên phòng Tài nguyên môi trường quận”.
Thực tế nạn rác thải “nuốt” bãi sông Hồng, phế thải lấn chiếm đất bãi đang diễn ra tràn lan. Trong khi chính quyền địa phương đang bận học và bận họp, thì những đội quân đổ trộm rác thải vẫn đang tung hoành.
“Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi đã ra quân hàng chục lần rồi, và mỗi lần không dưới 30 xe rác được chuyển đi. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền và xử phạt rất nhiều trường hợp xả rác và đổ rác không đúng nơi quy định. Vừa rồi, phường còn giải tỏa hàng loạt lều lán, nhà trọ ở dưới bãi sông Hồng”, ông Mai Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm).