Không tiết lộ vì “sẽ gây sốc”
Lâu nay, người dân xã Chỉ Đạo làm một thứ nghề độc hại là tái chế ắc quy. Nghề này đem lại nguồn lợi kinh tế, nhiều hộ trở nên khấm khá hơn, có gia đình xây được nhà lầu, tậu thêm được đất, mua được ô tô.
Nhưng ẩn sau nguồn lợi kinh tế là một nỗi lo khi Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả xét nghiệm sàng lọc của 109 trường hợp trẻ dưới 10 tuổi ở thôn Đông Mai của xã Chỉ Đạo, thì 100% có hàm lượng chì trong máu vượt quá giới hạn bình thường từ 2 - 7 lần.
Trong khi đó, chì trung bình trong không khí đo được đã vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Hàm lượng chì trong đất bề mặt cao gấp 10 lần, trong bụi cao gấp 11 lần mức cho phép. Ngay trong thực phẩm, hàm lượng chì cũng vượt tiêu chuẩn cho phép đến 4,61 lần. Ngoài thôn Đông Mai, các thôn lân cận khác như Trịnh Xá, Nghĩa Lộ và Cát Lư cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Điều đáng lo ngại nhất là từ năm 2010 - 2015, xã Chỉ Đạo có 41 trường hợp chết vì ung thư. Từ năm 2015 đến nay số liệu không được tiết lộ với lý do “sẽ gây sốc”.
Từ năm 2010 - 2015, xã Chỉ Đạo có 41 trường hợp chết vì ung thư. |
Dân không chịu ra cụm công nghiệp
Một lãnh đạo UBND xã Chỉ Đạo (xin giấu tên), cho biết: Từ lâu ở địa phương đã có nghề tái chế kim loại màu, đúc đồng, nhôm. Đến khoảng năm 1970 thì thu mua phế liệu, chủ yếu là ắc quy hỏng. Họ mua về thì phải súc cho sạch, các chất bên trong thải ra môi trường. Từ năm 1986 thì nghề này phát triển mạnh, thu hút rất nhiều lao động. Cao điểm, có khoảng 70% lao động địa phương tham gia làm nghề. Người thì đi khắp nơi thu gom, người thì ở nhà súc sạch, tháo dỡ trước khi chuyển tới lò nấu ra chì thành phẩm.
Ngày trước, khi chưa có quy hoạch thì người dân đem ắc quy về nhà hoặc ra rìa đường để tái chế. Môi trường cũng vì thế mà bị ô nhiễm bởi bột chì và axit. Số lượng trung bình mỗi ngày xuất đi khoảng trên dưới 100 tấn chì thành phẩm, cũng đồng nghĩa phải đem về hàng trăm tấn ắc quy phế phẩm. Với số lượng chì trong ắc quy lớn như vậy nên việc xã Chỉ Đạo bị ô nhiễm là rất dễ hiểu.
Hàng trăm tấn chì thành phẩm được người dân xã Chỉ Đạo xuất đi mỗi ngày. |
Cũng theo vị lãnh đạo này, năm 2010 UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt thành lập cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 21ha. UBND huyện Văn Lâm kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng được vài năm thì doanh nghiệp cũng bỏ vì không đủ năng lực. Trong khi đó, khu công nghiệp chỉ cách khu dân cư 1,5km và ở giữa cánh đồng.
Trước việc nhiều doanh nghiệp không chịu xuống khu công nghiệp đã gây lo ngại cho người dân. Bởi vì, chỉ tính riêng thôn Đông Mai đã có 62 hộ thành lập công ty và hiệp hội làm nghề. Nếu không chịu xuống khu công nghiệp, thì tất nhiên công việc tái chế ắc quy vẫn cứ tiếp diễn như trước kia.
Tập kết và tái chế ắc quy ngay tại khu dân cư. |
Bộ TN&MT chỉ đạo việc cần làm ngay
Trước thực trạng nhiễm độc chì quá nặng nề tại xã Chỉ Đạo, Thứ trưởng Bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên xây dựng kế hoạch đánh giá cụ thể, khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý tại làng nghề tái chế chì Đông Mai để lựa chọn phương pháp xử lý đảm bảo kỹ thuật môi trường.
Theo Bộ TN&MT, việc tái chế chì được người dân thôn Đông Mai thực hiện ngay trong khu dân cư: Pin và bình ắc quy sau khi thu gom về được phá dỡ lấy các tấm chì, rồi đưa vào nung bằng phương pháp thủ công để loại bỏ tạp chất rồi đúc thành thỏi, bán cho các cơ sở mạ kẽm, sản xuất ắc quy tại nhiều địa phương khác.Chính vì thế, nguồn không khí, đất và nước ngầm tại địa phương bị ô nhiễm nặng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân.
Nguồn nước tại xã Chỉ Đạo bị nhiễm độc nặng nề. |
Theo Tổng cục Môi trường, vài chục năm qua, làng nghề tái chế chì Đông Mai nằm trong danh mục làng nghề ô nhiễm chì tồn lưu (thuộc diện làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).
Nhiều bãi nguyên liệu được tập kết ngay trong khu dân cư, nơi đập phá ắc quy cũng ở trong khu dân cư; khói bụi chì thoát ra từ đây. Những giếng nước, ao làng bị ngấm chì. Ước tính, khu vực ô nhiễm tại các hộ dân là gần 4.000m2; có điểm hàm lượng chì vượt QCVN đến hơn 1.000 lần.
Trước đây Công ty Blackmisth (Mỹ) đã hỗ trợ xử lý, tiến hành thử nghiệm tại 21 hộ gia đình và đến nay đo lại vẫn an toàn. Quá trình khảo sát, xử lý từ năm 2012 cho thấy, càng đào sâu xuống thì mức độ ô nhiễm càng cao, nên việc di dời đất ô nhiễm đến nơi khác để xử lý tốn nhiều triệu USD và không hợp lý.
Theo Tổng Cục Môi trường, trước mắt các chuyên gia phải đi khảo sát thực tế đánh giá chính xác khối lượng, diện tích, mức độ ô nhiễm. Nếu khảo sát cho thấy, ở độ sâu lớn mà vẫn ô nhiễm chì thì mới dùng đến phương pháp cô lập và việc này phải làm ngay trong năm 2019.