Quy hoạch chưa sửa, Nhà máy nước Sông Đuống đã cam kết sẽ được nâng công suất lên 500.000m3 mỗi ngày

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2025, nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được nâng công suất lên 500.000m3 mỗi ngày. Nhưng nhà đầu tư đã thoả thuận với đối tác Thái Lan là sẽ có Giấy chứng nhận nâng công suất từ 300.000 m3 lên 600.000 m3 trước ngày 25/10/2020.
songduong1.png
Lễ ký kết hợp tác giữa Aqua One và đối tác Thái Lan được diễn ra ngày 04/9/2019, ngay trước ngày Khánh thành giai đoạn I Nhà máy nước mặt sông Đuống (05/9/2019)

Theo kế hoạch hoàn thành các dự án nước phát triển nguồn tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thì Hà Nội sẽ hoàn thành dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, nâng công suất từ 300.000m3/ngđ lên 600.000m3/ngđ.

Trong khi đó, tại giai đoạn các năm 2023 - 2025, nhà máy nước mặt Sông Đuống chỉ ở giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng nâng công suất lên 450.000m3/ngđ.

Mới đây, Công ty WHAUP đến từ Thái Lan đã công bố thông tin lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) về việc đã gửi đơn khởi kiện Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Do Công ty WHAUP đã dùng công ty con là WHAUP (SG) 2DR đầu tư vào Công ty CP Nước mặt Sông Đuống từ tháng 10/2019, thông qua việc mua lại 34% cổ phần từ ông Đỗ Tất Thắng, tương đương với số tiền hơn 1.886 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, trường hợp Công ty Sông Đuống không chuyển cho WHATUP (SG) 2DR Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi nâng công suất dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày trước ngày 25/10/2020, thì WHATUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại Công ty Sông Đuống cho Aqua One.

Mức giá bán lại cổ phần sẽ bằng mức WHAUP (SG) 2DR đã thanh toán cho Công ty sông Đuống, cộng thêm giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký sửa đổi theo như thỏa thuận.

Vì vậy, ngày 30/9/2021 WHAUP đã đệ đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần.

Tìm hiểu cho thấy, theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô mới nhất đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 6/4/2021, thì đến năm 2025, nhà máy nước mặt Sông Đuống có công suất 300.000m3/ngđ, đến năm 2030 mới đạt 600.000m3/ngđ và định hướng đến năm 2050 công suất 900.000m3/ngđ.

Ngày 5/9/2019, Nhà máy nước mặt Sông Đuống giai đoạn 1 TP Hà Nội đã khánh thành tại huyện Gia Lâm, với tổng công suất 300.000m3/ngày.

Nhà máy đã hoàn thành với tổng mức đầu tư đến 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), vượt tiến độ 16 tháng.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống được khẳng định áp dụng công nghệ độc quyền của châu Âu. Thực tế, những ưu việt của công nghệ châu Âu ấy, đều được nhập khẩu, vận hành... trong vòng tròn quan hệ giữa các công ty tại Đức và Việt Nam của vợ chồng "Shark" Liên và ông Lê Toàn.

Theo Đời sống
back to top