Tượng thờ Lê Đại Hành.
Anh hùng kiệt xuất
Lê Hoàn sinh vào năm Tân Sửu (941), chưa được bao lâu thì Ngô Vương Quyền băng hà (944). Lớn lên trong cảnh đất nước rối ren loạn lạc, Lê Hoàn trở về quê hương Bảo Thái dựng một ngôi nhà nhỏ nơi vườn của cụ Lê Lộc để ở và thờ ông nội.
Trong thời gian ở đây, Lê Hoàn đã liên kết với ông Nguyễn Minh người làng Vực tổ chức tập hợp nghĩa quân. Năm 24 tuổi, ông cùng Nguyễn Minh tụ tập nghĩa quân tiến vào Hoa Lư phò tá Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn 12 sứ quân.
Sau khi đất nước thống nhất giang sơn thu về một mối, triều đình nhà Đinh chia cả nước thành 10 đạo. Năm 971, Lê Hoàn được Đinh Bộ Lĩnh phong giữ chức Thập đạo tướng quân lúc ông vừa tròn 30 tuổi, Nguyễn Minh được phong phó thập đạo tướng quân.
Không những thế, Lê Hoàn còn được Hoàng đế tin cậy trao cho chức Điện tiền chỉ huy sứ trực tiếp chỉ huy đạo quân bảo vệ kinh đô và triều đình.
Sau sự biến Đỗ Thích sát hại cha con vua Đinh, một thời gian ngắn Lê Hoàn trở thành Hoàng đế. Trên cương vị người đứng đầu quốc gia, Lê Hoàn đã lãnh đạo quân và dân Đại Cồ Việt đánh bại đạo quân xâm lược của đế chế Đại Tống vào năm 981. Không chỉ là là vị anh hùng dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm, Lê Hoàn còn là nhân vật có nhiều đóng góp kiệt xuất trong công cuộc lãnh đạo, xây dựng đất nước, phát triển văn hóa và đặc biệt là hoạt động ngoại giao nhằm nâng cao vị thế đất nước tạo sự kính trọng của các nước lân cận.
3 thuyết về quê Lê Hoàn
Để làm rõ vấn đề quê hương Lê Hoàn ở đâu, gần đây các nhà sử học đã xem xét lại toàn bộ những tài liệu trước đây.
Thuyết nói về quê hương Lê Hoàn ở Ái Châu (Thanh Hóa), sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479 nêu ra sớm nhất “Vua họ Lê, húy là Hoàn, người Ái Châu… cha là Minh, mẹ là Đặng Thị”. Sách Việt sử tiêu án chép: “vua Lê, tên Hoàn người Ái Châu”; Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Đại hành Hoàng đế họ Lê, tên Hoàn, ở Ái Châu”…
Một số nhà nghiên cứu về sau, dựa vào các sách trên cùng đồng tình quê Lê Hoàn ở Ái Châu, chẳng hạn cuốn Các triều đại Việt Nam do Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hoàng đưa ra chi tiết: Mẹ Lê Hoàn là Đặng Thị Sen (mà không gọi là Đặng Thị) và nêu địa danh cụ thể: Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Thuyết nói Lê Hoàn quê ở Trường Châu (Ninh Bình). Ý kiến này được thể hiện trong cuốn Việt sử lược: “Đại hành vương húy Hoàn, họ Lê người Trường Châu, cha là Mịch, mẹ họ Đặng. Khi xưa có mang nằm mộng thấy trong bụng có cánh hoa sen, bỗng chốc kết thành hạt, lấy hạt ấy chia cho mọi người ăn, khi tỉnh dậy không hiểu duyên cớ ra sao”.
Ở một đoạn khác, Việt sử lược cho biết “Năm Ất Tỵ, hiệu Ứng Thiên năm thứ 11 (1005) vua mất ở điện Trường Xuân, gọi là Đại Hành Vương, nhân lấy làm miếu hiệu, ở ngôi 27 năm, thọ 65 tuổi cải nguyên 3 lần, an táng tại Đức lăng”. Trường Châu được Việt sử lược đưa ra lần đầu tiên là quê gốc của Lê Hoàn và cho biết cha tên là Mịch, mẹ họ Đặng.
Thuyết nói quê Lê Hoàn ở Hà Nam. Thuyết này xuất hiện hơn 30 năm lại đây và được sự chú ý, nhờ việc so sánh đối chiếu các thư tịch cũ và đặc biệt là việc công bố những tư liệu khảo sát, điền dã ở các địa phương.
Đã có một số nhà sử học thuộc viện Sử học Việt Nam, khoa sử trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn) nêu ra nghi ngờ những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, đồng thời đưa ra nhận định: Lê Hoàn quê ở Bảo Thái, Hà Nam.
(còn nữa)
Trịnh Dương