Cây quế mọc hoang trong rừng hoặc được trồng ở nhiều tỉnh của Việt Nam như: Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ninh..., trong đó quế thanh (ở Thanh Hóa) là loại quế tốt, có chứa nhiều tinh dầu, tinh bột, chất nhầy, tanin và chất màu được thế giới ưa chuộc và đánh giá cao.
Quế là cây sống lâu năm, thân gỗ lớn cao 5 – 20m. Vỏ thân nhẵn, lá mọc so le, có cuống ngắn, cứng và giòn, đầu nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung, mặt trên lá xanh sẫm bóng, cụm hoa hình chùm xim ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Hoa màu trắng, quả hạnh hình trứng, khi chín màu nâu tím, nhẵn bóng. Ra hoa tháng 6 – 8, quả chín từ tháng 10 – 12.
Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân. Bóc vỏ thu hái vào mùa hạ, mùa thu để râm mát, thoáng gió cho khô dần, có thể cất lấy tinh dầu. Vỏ thân gọi là nhục quế, vỏ cành gọi là quế chi, đầu ngọn cành gọi là quế chi tiêm.
Theo y học cổ truyền, quế có vị cay ngọt, tính đại nhiệt, hơi có độc. Quế chi càng cay, nóng, mùi thơm vào các kinh: Tâm, can, thận, bàng quang, có tác dụng giải biểu, tán hàn, chỉ thống. Nhục quế: ôn trung, tán hàn tán ứ, chỉ thông, hoạt huyết thông kinh.
Thành phần hóa học: trong vỏ quế giàu tanin 5% và chứa tinh dầu 1,2-1,5%; trong tinh dầu lại nhiều aldehyd cunnamic (80,85%) không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ axit cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd, còn có cinnzeylanol và cinnzeylanin.
Công dụng: chứa chấn thương tụ huyết; bế kinh, thống kinh; ngoại cảm phong hàn; đau bụng, ỉa chảy do lạnh; đau khớp, đau lưng; đau vùng ngực do lạnh hoặc huyết ứ.
Ngày dùng 2 – 6g hãm với nước sôi để uống hoặc 4- 12g dạng thuốc sắc, có thể ngâm rượu để uống.
Chú ý: không dùng cho phụ nữ có thai.
DS Phạm Hinh (Phó chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)