Tiến tới đóng cửa khai thác các mỏ than lộ thiên của ngành than ở TP. Hạ Long là nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhắc nhở liên quan đến Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 mà TKV phải tuân thủ.
Mặc dù là trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Ninh, trong nhiều năm qua, hoạt động khai thác than lộ thiên đã gây ra những tác động khôn lường về môi trường, cảnh quan và mất an toàn các bãi thải mỏ mỗi khi mưa lớn đổ xuống, gây uy hiếp đối với hàng nghìn hộ dân sinh sống bên dưới.
Hiện ngành than còn duy trì các mỏ lộ thiên ở vùng Hạ Long như Hà Tu, Hòn Gai, Núi Béo và Hà Lầm theo hướng giảm dần khai thác và tiến tới đóng cửa hoàn toàn trong một hai năm sắp tới.
Việc đóng cửa các mỏ lộ thiên không khiến sản lượng khai thác vùng Hòn Gai sụt giảm, do TKV đã đầu tư chuẩn bị chuyển từ khai thác lộ thiên xuống hầm lò từ 5 năm trước. Ngoài việc đóng cửa các khai trường lộ thiên, ngành than sẽ phải hoàn nguyên, cải tạo môi trường các “moong sâu”, bãi thải đất đá và trồng cây ở các tầng vỉa.
Trước đó, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của môi trường thành phố du lịch Hạ Long, TKV đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh trong việc di dời thành công Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng vào khu Hà Khánh.
Khai thác lộ thiên tại một mỏ than ở TP Hạ Long. |
Ngoài ra, TKV còn xử lý các vấn đề hoàn nguyên môi trường tại các bãi thải than cũng như đảm bảo thu nhập, an sinh xã hội cho công nhân vùng mỏ. Tuy nhiên, tác động xấu đến môi trường tại các khai trường lộ thiên là điều không thể tránh và buộc phải có lộ trình đóng cửa.