Khế có 2 loại khế chua và ngọt. Trong thành phần của khế có đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Khế ngọt chuyên dùng để ăn tươi, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, lợi tiểu, tiêu độc. Những người máu nhiệt, nóng trong, khát nước, gan thận âm hư ăn khế ngọt đều tốt. Khế chua thường dùng để nấu canh, kho cá, ăn ghém như món thịt lợn chấm mắm tép rất ngon và bổ. Khế chua phơi khô dùng dần. Ngoài tác dụng làm thức ăn, khế còn có tác dụng chữa bệnh. Xin giới thiệu một số bài thuốc từ cây khế và quả khế.
Chữa viêm đường hô hấp trên: Quả khế rửa sạch, cắt lát, giã nhỏ cho vào cùng đường phèn ninh nhừ, chắt ra uống ngày 2 lần. Có thể ăn quả tươi chấm muối ngày 2 quả.
Chữa ngộ độc mã tiền: Lấy quả khế ép nước cho thêm đường uống để thải độc.
Chữa sỏi đường tiết niệu: Khế tươi 5 quả rửa sạch, thái miếng cho vào với mật ong ninh nhừ ăn trong ngày, chia làm 3 lần.
Chữa đau đầu, suy nhược thần kinh, ngủ kém: Rễ cây khế tươi 80g, đậu hũ 200g. Cho 2 vị này ninh nhừ lên, ăn trong ngày, ăn liên tục khi nào hết đau thì dừng.
Chữa dị ứng lở loét ngoài da: Lá khế lấy cả cành non 150g rửa sạch, cho vào 5 lít nước đun sôi để xông, sau đó tắm, lấy lá tắm sát lên da chỗ bị lở loét, có thể cho một chút muối vào cho sát trùng vết thương.
BS Kim Ngân (Viện Châm cứu T.Ư)