Phòng cháy nhà vì cục sạc dự phòng

(khoahocdoisong.vn) - Sạc pin điện thoại dự phòng không còn là vật dụng xa lạ. Nguy hiểm ở chỗ chúng có thể tự bốc cháy bất cứ lúc nào, nếu chúng ta sơ sẩy trong quá trình sử dụng.

Suýt cháy nhà vì sạc dự phòng

Bà Đặng Kim Ngân (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa chia sẻ câu chuyện “hú hồn” khi cục sạc pin điện thoại dự phòng bỗng nhiên phát nổ. Vào chiều ngày 22/10, cục sạc dự phòng của gia đình không hề cắm điện đã tự nhiên ngùn ngụt bốc cháy. May mắn là vào đầu giờ chiều, gia chủ có việc phải về nhà, bỗng ngửi có mùi khét lẹt. Mở cửa, thấy trên bàn làm việc, một cột khói và lửa mù mịt bốc cao. Lửa bùng cháy từ cục sạc dự phòng, bắt đầu lan ra những cuốn sách dày, khói cuộn lên ám đen cả trần nhà. Nếu chậm khoảng 4 tiếng (giờ tan tầm như mọi khi), chắc chắn mọi việc khó cứu vãn, khả năng cháy nhà sẽ rất cao. Sẽ càng nguy hiểm hơn nữa nếu nó xảy ra vào ban đêm. Theo bà Ngân thì đây là chiếc pin sạc dự phòng có giá hơn 1 triệu đồng, được một người bạn mua tặng chứ không phải loại pin sạc rẻ tiền bán nhiều ngoài thị trường.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, đã có trường hợp pin sạc dự phòng gây tai nạn, cháy nổ. Có người vô ý cho pin sạc dự phòng điện thoại vào túi xách cùng với chìa khóa. Sự va chạm của kim loại với đầu sạc làm cục pin phát nổ ngay trong túi. Hay có người để trong túi xách và cho vào cốp xe máy khiến chiếc xe cháy rụi. Đáng nói là để cục pin không hoạt động mà cũng tự bốc cháy như trường hợp nêu trên.

Cục pin sạc dự phòng có điện áp rất nhỏ nhưng dòng điện lại cực lớn do phải tích lại để sạc cho điện thoại. Dòng điện này có thể gây ra cháy nổ bất kỳ lúc nào nếu gặp các sự cố, môi trường không thuận lợi, có côn trùng phá hoại… Hai điện cực ở pin sạc dự phòng cực kỳ sát nhau, chỉ cần môi trường ẩm, có hơi nước, hay con kiến, gián chạy qua… cũng có thể làm chập, gây ra cháy nổ. Quan sát chiếc pin sạc dự phòng sẽ thấy phần đầu cực rất mỏng, trong khi dòng điện chạy qua lại rất lớn. Hoặc do khi sạc điện thoại xong không rút dây ra mà vẫn cắm vào cục pin, cũng dễ gây ra cháy nổ. 

Pin càng khỏe càng dễ cháy

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, để sử dụng sạc pin dự phòng an toàn phải cách ly hoàn toàn khỏi môi trường ẩm ướt, rút dây ra ngay sau khi sạc. Khi sạc pin cho pin, không nên sạc quá đầy mà đèn báo qua mức 3 là rút sạc ra. Không để cục pin gần các vật kim loại như chìa khóa, dễ gây cháy nổ. Không để trong cốp xe, những nơi có nhiệt độ cao hơn bình thường. Khi không dùng, nên để cục pin sạc dự phòng trong hộp giấy của nhà sản xuất. Lưu ý các loại pin có công suất càng lớn thì rủi ro xảy ra cháy nổ càng cao, càng dễ cháy. Do đó, không nên “ham” loại pin có dung lượng quá cao. Chỉ sử dụng pin sạc dự phòng chính hãng, các loại hàng trôi nổi, giá rẻ, được làm cẩu thả, rất dễ trở thành “quả bom không hẹn giờ” trong gia đình.

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, khi lựa chọn pin sạc dự phòng nên mua hàng chính hãng, điện áp chuẩn, tránh tình trạng mua pin trôi nổi có điện áp ảo. Nghĩa là điện áp ghi một đằng, nhưng thực tế lại một nẻo. Khi gặp những hiện tượng như cục sạc nóng, pin quá nhanh đầy nhưng cũng rất nhanh hết, pin không có tính năng bảo vệ hoặc tự ngắt… thì không nên sử dụng. Không đặt cục pin dự phòng cạnh tivi, máy tính là những nơi có từ trường mạnh. Không sạc pin trong nhà tắm vì là nơi có độ ẩm cao, ẩm ướt, dễ gây chập mạch. Không cắm điện thoại trực tiếp vào cục sạc dự phòng khi đang sạc điện vì dễ gây ra hiện tượng cháy nổ giữa các điểm tiếp xúc.

Khi sử dụng cần thực hiện theo đúng những quy định khuyến cáo về dung lượng, dòng nạp, thời gian nạp. Cần dùng đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như dùng đúng loại đầu cắm sạc cho thiết bị. Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc sạc pin với nguồn điện 220V vì đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn. Pin sạc không dùng cho tất cả mọi dòng điện thoại. Hãy tìm hiểu kỹ nguồn điện, nhãn hiệu, cổng sạc… trước khi mua.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top