Phép ẩm thực Tết không bệnh và trường thọ

Bị bệnh trước hết là dùng thức ăn để trị, tránh cơ thể mất cân bằng và dễ dàng nhiễm bệnh. Tết đến, xuân về là thời gian cơ thể con người cùng với trời đất vượng thịnh. Bởi vậy, biết cách ăn tết bồi dưỡng dương khí không chỉ giúp ngày Tết vui khỏe mà còn giúp giữ gìn, nâng cao sức khỏe trong cả năm, kéo dài tuổi thọ.

Mâm cổ ngày Tết (ảnh minh họa)

Dĩ thực liệu bệnh – dùng thức ăn trị bệnh

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, y học cổ truyền rất coi trọng vấn đề ăn uống để trị bệnh. Tư tưởng triết học trong văn hóa Phương Đông nêu rõ: “Dĩ thực liệu bệnh” còn gọi là “thực trị”, có nghĩa là lợi dụng những chức năng đặc thù của thực phẩm đối với cơ thể con người để đưa ra phương pháp phòng bệnh hoặc chữa bệnh phù hợp.

Bởi thực phẩm chính là nguồn dinh dưỡng cần thiết giúp cho cơ thể mạnh khỏe và phát triển toàn diện. Nó không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng mà còn có tác dụng phòng chữa bệnh rất hiệu quả. Biết cách sử dụng một lượng phù hợp những thức ăn: thịt, rau, đậu, củ, quả…để trị bệnh sẽ giúp cơ thể cân bằng và khỏe mạnh. Nếu trị bằng thức ăn không khỏi mới nên dùng thuốc vì thuốc có tác dụng mạnh, khiến các cơ quan bộ phận trong cơ thể mất cân bằng, từ đó dễ dàng bị nhiễm bệnh, chữa khỏi bệnh này lại sang bệnh khác…

Cổ nhân có câu “Trị vị bệnh”, tức là phòng bệnh trước khi bị bệnh, có bệnh thì phòng biến chứng và bệnh cũ thì phòng tái phát. Tết đến xuân về là thời điểm bắt đầu của sự âm tiêu dương trưởng, vạn vật hồi sinh, khí trời ấm áp, khí đất phát sinh, dương khí trong nhân thể cũng đang thịnh vượng, Can khí thiên cang, những người mùa đông không giữ gìn sức khỏe, đến lúc này dễ bị mắc phải các bệnh có tính ôn nhiệt như: Tăng huyết áp, dị ứng, mẩn ngứa, xuất huyết dạ dày, thiên đầu thống, tim mạch, hen suyễn…Vì vậy, cần phải dưỡng sinh bằng các loại đồ ăn, thức uống để điều hòa cơ thể theo đúng với quy luật nảy sinh, thăng phát của dương khí trong trời đất.

Theo TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng, từ xưa, cổ nhân đã cảnh báo,”Ẩm thực tự bội, tràng vị nãi thương”, nghĩa là ăn uống quá nhiều thì dạ dày và ruột ắt bị tổn thương. Trong những dịp lễ Tết, do có nhiều món ăn ngon, lạ nên ăn uống thường kém điều độ, dùng quá nhiều món ăn béo ngọt, uống quá nhiều rượu, hoặc ăn phải thức ăn không bao quản tốt, bị nhiễm khuẩn…khiến cho tỳ vị bị tổn thương. Thức ăn tích đọng lại, gây ứ trệ, cản trở tiêu hóa khiến cho chức năng của tỳ vị bị rối loạn và nhiều người bị tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng…Do đó, phải ăn uống đúng giờ, lượng thức ăn vừa phải theo mỗi người.

Nếu ăn quá no hay quá đói đều dễ gây thực trệ tổn thương chức năng vị tràng hoặc các bệnh khác. Ăn quá no gây bội thực “thượng bất hạ, hạ bất thăng”, trên không xuống được, dưới không lên được, ảnh hưởng tới tỳ vị có thể tử vong vì tắc ruột. Nếu để đói lâu ngày làm tạng phủ và cơ thể không được nuôi dưỡng, chính khí ngày càng hư, tạo điều kiện cho ngoại tà xâm phạm, bệnh tật phát sinh. Những món ăn quen thuộc của ngày Tết như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, chả giò, nem rán, bánh kẹo ngọt…đều là những món giàu chất béo, ngọt, nhiều calo, không tốt cho sức khỏe. Bởi đồ béo ngọt gây nê trệ làm ảnh hưởng đến công năng vận hóa của tỳ vị, dưa hành có chứa nhiều muối gây ảnh hưởng đến tạng thận…

Vì vậy, ngày Tết nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại gia vị cay ấm (gừng, rau mùi…), thay rượu bia, nước có gas bằng các loại trà thảo dược, nước ép trái cây tươi…

Điều hòa ngũ vị – thăng phát dương khí

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng nhấn mạnh, ẩm thực là hoạt động không thể thiếu để duy trì sự sống cho con người, vì vậy chế độ ăn uống cũng phải tuân theo triết lý “âm dương ngũ hành”. Trong YHCT, không chỉ có ngũ vị, mà còn phân chia thực phẩm thành ngũ khí: ngũ cốc, ngũ nhục, ngũ thái, ngũ quả…”Ngũ khí” thuộc dương gồm có các mùi như mùi khai, mùi khét, mùi thơm, mùi tanh, mùi thối; “ngũ vị” thuộc âm gồm các vị như ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Thuốc và thực phẩm cùng có nguồn gốc từ “ngũ khí” và “ngũ vị”.

Hằng ngày con người hấp thụ “ngũ vị” và “ngũ khí” chính là để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, đồng thời là để dung hòa sự cân bằng âm dương trong ngũ tạng. Chính vì thế, thực phẩm cũng được phân thành hai loại: âm và dương để định vị chức năng sử dụng của thực phẩm. Chứng bệnh thuộc về “âm” như “thiếu máu” cần phải dùng thực phẩm thuộc “dương” để bổ sung. Những thực phẩm loại này gồm có gan, trứng, đường nâu hoặc đỏ, táo tàu…có tác dụng tiêu hàn bổ khí.

Chứng bệnh thuộc “dương” như huyết áp cao, viêm nhiễm, cần bổ sung thực phẩm có tính “âm” như dưa hấu, đậu xanh, hạt sen, dưa chuột… các loại thực phẩm này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hạ hỏa. Hơn nữa, các loại nguyên liệu thực phẩm có chức năng điều hòa sự cân bằng âm dương trong cơ thể được chia thành “nhiệt, ôn, lương, hàn” để ăn cho phù hợp. Ví dụ, chứng hư và hàn nên ăn thực phẩm có tính “ôn và nhiệt” như gừng, sả; Chứng nóng và nhiệt cần ăn thực phẩm có tính “hàn” như dưa hấu để giải nhiệt…

“Ngũ vị quân hành, bách bệnh bất sinh”

Hơn nữa, y gia xưa thường nói, “ngũ vị quân hành, bách bệnh bất sinh”, “ngũ vị thiên thị, tật bệnh tương chí”, nghĩa là Ngũ vị cân bằng, trăm bệnh không sinh; Ngũ vị thiên lệch ắt sinh bệnh tật. Ngũ vị là ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Thức ăn vị ngọt đi vào tạng Tỳ và thường có tác dụng làm mạnh Tỳ vị, bồi bổ cơ thể, điều hòa ngũ vị…Thức ăn vị chua đi vào tạng Can và thường có tác dụng thu liễm, bổ âm, tăng dịch…Thức ăn bị cay đi vào tạng Phế, có tác dụng phát tán, thăng dương…Thức ăn vị đắng đi vào tạng Tâm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc…Thức ăn vị mặn đi vào tạng thận, có tác dụng nhuyễn kiên (làm mềm chất rắn), tán kết (tan u bướu)…

Theo TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng, Tết thuộc mùa Xuân tương ứng với tạng Can. Can thuộc Mộc; Tỳ thuộc thổ. Theo thuyết Ngũ Hành: Mộc Khắc Thổ – Can Khắc tỳ. Mùa xuân Can mộc thịnh dễ dẫn đến nguy cơ khắc phạt Tỳ thổ, dẫn tới các chứng thuộc bệnh đường tiêu hóa. Cho nên ăn uống trong mùa xuân là hạn chế vị chua, chát và tăng thêm vị ngọt và đồ ăn thức uống có tính ôn ấm để bồi bổ dương khí.

Đồ ăn thức uống có vị ngọt cần được trọng dụng như thịt nạc, trứng gia cầm, sữa, mật ong, rau quả tươi, các loại mứt… Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh mứt, kẹo, nước ngọt…Bởi vị ngọt (cam) có tác dụng đi vào tỳ, bổ dưỡng, tăng cường chức năng tiêu hóa cho tạng tỳ, chống lại sự khắc phạt quá mức của tạng Can, nhưng ăn nhiều “vượt quá hóa bệnh”, ngọt biến thành ôn, tỳ phải làm việc nhiều dễ thành bệnh Cam ôn, cam tẩu mã: bụng ỏng, đít mòn, lở loét ngoài da, nhiệt miệng rụng răng… nguy hiểm tính mạng.

Cần trọng dụng các thức ăn uống có tính ôn ấm và bồi bổ dương khí làm cho khí huyết lưu thông, nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật như: hành, hẹ, rau mùi, táo lạc. Nên dùng những món thanh đạm, hợp khẩu vị và đa dạng. Không nên dùng những món xào rán béo ngậy hoặc các thứ sống lạnh như: thịt chó, ba ba, ốc, hến, trai…Ăn nhiều rau quả tươi để bổ sung vitamin, các nguyên tố vi lượng và tân dịch để chống lại các bệnh: viêm niêm mạc miệng, viêm da, viêm họng, ho khan, khô miệng…

Món ăn phòng bệnh mới, ngừa bệnh cũ

Lương y Tống Thị Bích Thủy, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, Tết đến, Xuân về là lúc cơ thể phải điều chỉnh lại “đồng hồ” để thích nghi dần với những biến đổi của môi trường. Mùa Xuân, vạn vật hồi sinh cũng là lúc vi khuẩn, virus phát sinh và lan truyền. Hơn nữa, đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp, nóng lạnh thay đổi thất thường, nên những bệnh cũ hay tái phá, đặc biệt ở những người cao tuổi hoặc người cơ thể vốn suy nhược. Vì vậy, cổ nhân rất coi trọng chế độ ăn uống, đặc biệt sử dụng các món ăn- bài thuốc trong thời kỳ này để “trị vị bệnh”. Các món ăn không chỉ có tác dụng tăng cường sức đề kháng để cơ thể thích nghi với môi trường mà còn có tác dụng phòng ngừa bệnh mới, ngăn ngừa bệnh cũ.

Cháo nếp cẩm bổ tỳ vị: Gạo nếp cẩm 100g, đẳng sâm 15g, bạch phục linh 15g, gừng tươi 5g, đường phèn lượng vừa phải. Đảng sâm, phục linh và gừng tươi thái lát; gạo nếp cẩm vo sạch, loại bỏ tạp chất, đường phèn nghiền nhỏ, bỏ tất cả vào nồi, cho lượng nước vừa phải, đun to lửa cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun trong 2 giờ là được, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: Bổ trung ích khí, kiện tì dưỡng vị, thích hợp với các chứng cơ thể suy nhược, mệt mỏi rã rời, chán ăn, đi lỏng… do tì vị hư nhược gây nên.

Chân giò hầm phòng tim mạch, hen suyễn: Chân giò lợn 100g, nấm linh chi 15g, hoàng kỳ 20g. Tất cả đem hầm nhừ, ăn nóng có tác dụng tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng, chữa thần kinh suy nhược, phòng ngừa tim mạch và hen suyễn tái phát.

Cháo gạo tẻ điều hòa huyết áp: Gạo tẻ 100g, hoa cúc vừa phải. Hoa cúc lấy từ mùa thu sấy khô, tán bột. Gạo tẻ vào nấu thành cháo, rồi cho khoảng 10 – 15g bột hoa cúc vào, đun sôi lăn tăn là được. Công dụng: Tán phong nhiệt, thanh can hoả, điều hòa huyết áp, thích hợp với những người bị tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đau đầu do can hỏa, hoa mắt, mắt mờ và mắt đỏ do phong nhiệt.

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top