Phẫu thuật vá nhĩ, cải thiện thính lực và tình trạng viêm tai giữa

Nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trung ương, các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tạo hình màng nhĩ thủng trả lại sức nghe và tránh tình trạng viêm tai giữa kéo dài cho bệnh nhân.

Thủng màng nhĩ vì tai giữa tái đi tái lại nhiều lần

Bệnh nhân nữ 46 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) có tiền sử viêm tai giữa bên trái nhiều năm, tai trái thường xuyên chảy dịch, giảm khả năng nghe. Đợt này tai trái không viêm, nghe kém, nội soi Tai Mũi Họng phát hiện màng nhĩ tai trái thủng rộng, được tư vấn phẫu thuật vá màng nhĩ.

Ngày 22/11, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi vá nhĩ trái. Màng nhĩ bị thủng được Bác sĩ tạo hình bằng cân cơ thái dương. Với sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện tuyến Trung ương, sau hơn một giờ thực hiện, ca phẫu thuật thành công.

BSCKI Tai Mũi Họng. Ngô Anh Hào cho biết: phẫu thuật vá nhĩ là kỹ thuật tạo hình tai giữa, giúp màng nhĩ kín trở lại, sau phẫu thuật 02-03 tuần bệnh nhân được cải thiện chức năng nghe rõ rệt. Đặc biệt tránh được tình trạng nhiễm trùng tai giữa kéo dài.

Màng nhĩ trái thủng rộng do viêm tai giữa - Ảnh BVCC

Màng nhĩ trái thủng rộng do viêm tai giữa - Ảnh BVCC

Trong quá trình hồi phục, người bệnh cần tránh nước vào tai bằng cách không bơi lội, sử dụng các biện pháp để chống nước vào tai khi tắm; không mở bông nút tai hoặc xì mũi.

Nếu muốn hắt hơi, người bệnh nên mở miệng để không gây tăng áp lực lên tai. Một vấn đề quan trọng nữa người bệnh cần lưu ý: tránh tình trạng viêm mũi họng để giảm nguy cơ nhiễm trùng thông qua lỗ vòi tai (lỗ vòi Eustach).

Nhiều biến chứng nguy hiểm do viêm tai giữa cần đề phòng

Viêm tai giữa là một căn bệnh phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kể mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em vẫn là nhóm đối tượng mắc phải căn bệnh này nhiều nhất.

Tạo hình màng nhĩ do viêm tai giữa - Ảnh BSCC

Tạo hình màng nhĩ do viêm tai giữa - Ảnh BSCC

TS.BSCKII Hoàng Lương, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn cho biết, viêm tai giữa là một căn bệnh phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kể mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em vẫn là nhóm đối tượng mắc phải căn bệnh này nhiều nhất.

Viêm tai giữa xảy ra khi khu vực tai giữa (nằm phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng và gây ra những triệu chứng như đau, sưng, sốt và chảy dịch tai. Mặc dù viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh trạng này xuất hiện phổ biến nhất ở trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi, bởi cấu trúc tai của trẻ vẫn chưa hoàn thiện và hệ miễn dịch yếu.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có hơn 80% trẻ em trên 3 tuổi đã từng trải qua ít nhất một đợt viêm tai giữa. Viêm tai giữa không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì nó có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề và thậm chí ảnh hưởng đến não.

Vá màng nhĩ cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Vá màng nhĩ cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Viêm tai giữa được chia thành 2 loại chính:

Viêm tai giữa cấp: Đây là tình trạng bệnh phổ biến nhất và thường gặp ở trẻ em đang bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt khi mắc các căn bệnh sởi, cúm, bạch hầu, ho gà,… Bệnh này thường sẽ phát trong khoảng 3 tuần, ảnh hưởng trực tiếp đến tai giữa và màng nhĩ, nếu không được chữa trị đúng cách sẽ khiến dịch tiết chảy liên tục và gây thủng màng nhĩ.

Viêm tai giữa có dịch tiết: Bệnh trạng này thường không có các triệu chứng cụ thể, đôi khi bệnh nhân sẽ thấy cảm giác đầy hay nặng tai. Viêm tai giữa có dịch tiết thường sẽ được xác định khi tai giữa có dịch không nhiễm trùng từ ba tháng trở lên.

Tuy nhiên, dù thuộc loại nào thì căn bệnh này đều ảnh hưởng đến chức năng nghe của bệnh nhân. Nếu để viêm tai giữa có dịch tiết kéo dài mà không được điều trị có thể gây ra tình trạng khiếm thính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Còn viêm tai giữa cấp tính không được điều trị sẽ dẫn đến việc chảy mủ và trong nhiều trường hợp sẽ tạo thành dịch.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa gồm:

Chảy mủ: Đây được xem là một biến chứng nghiêm trọng, biến chứng này xuất hiện khi tình trạng bệnh cấp tính không được điều trị đúng cách, đặc biệt là đối với những người bệnh có hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc mắc các bệnh nặng khác như lao hoặc đái tháo đường. Từ đó sẽ phát triển thành tình trạng bệnh mạn tính và khó điều trị.

Thủng màng nhĩ: Phần lớn các trường hợp thủng màng nhĩ sẽ tự lành trong vòng 72 giờ tuy nhiên cũng có những trường hợp cần phải được điều trị bằng cách phẫu thuật.

Giảm thính lực: Thông thường, tình trạng mất thính lực nhẹ có thể xảy ra và tự hồi phục khi bệnh nhiễm trùng tai được điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu bị nhiễm trùng tái phát hoặc bị nhiễm trùng tai giữa nặng với mủ trong tai thì có khả năng gây mất thính lực nghiêm trọng, tổn thương màng nhĩ và thậm chí mất thính lực vĩnh viễn.

Gây viêm màng não: Nếu để viêm tai giữa kéo dài mà không can thiệp điều trị sẽ có khả năng gây ra các biến chứng như loét xương, gián đoạn chuỗi xương con, viêm tai giữa thanh dịch, viêm xương chũm hay viêm tai giữa mạn.

Những biến chứng này có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trong sọ, chẳng hạn như viêm màng não, viêm não, áp xe não do tổn thương ở tai, liệt thần kinh mặt (dây thần kinh số VII) và thậm chí có thể gây tử vong.

Biện pháp phòng bệnh viêm tai giữa hiệu quả

- Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không sử dụng cùng bộ đồ dùng và hướng dẫn trẻ che miệng khi hắt hơi.

- Ưu tiên cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, hạn chế sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả để trẻ không bị sặc, trớ.

- Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, chẳng hạn như tiêm phòng cúm theo mùa, tiêm vacxin phòng bệnh phế cầu và các loại vacxin cần thiết khác.

- Giữ ấm cho cơ thể trong mùa lạnh, duy trì chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân đối và thực hiện các vận động khoa học để tăng cường hệ miễn dịch.

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá vì nó có thể gây tổn thương và nhiễm trùng tai.

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top