Bằng kỹ thuật tương tự như các bác sĩ chụp X-quang cho bệnh nhân, họ đã khám phá ra cấu trúc bên trong của kim tự tháp Giza có khoảng trống khổng lồ.
Kim tự tháp Giza.
Ngày 2/11, một nhóm các nhà khoa học tuyên bố đã khám phá ra một khoảng trống rộng lớn (Big Void) có kích cỡ bằng một chiếc máy bay 200 chỗ nằm ẩn bên trong Đại kim tự tháp Giza.
Khoảng trống này dài khoảng 30m và có hình dáng giống Đại Hành Lang (Grand Gallery), một trong 3 cấu trúc lớn bên trong kim tự tháp (bên cạnh 2 lăng mộ của Pharaoh và Nữ hoàng).
Đây được xem là khám phá thế kỷ bởi đó là lần đầu tiên kể từ thế kỷ XIX, các nhà khoa học mới tìm ra thêm một cấu trúc mới bên trong Đại kim tự tháp. Điều thú vị là khoảng trống rộng lớn này đã tồn tại 4.500 năm mà không ai phát hiện ra.
Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy là do các nhà nghiên cứu muốn khám phá kim tự tháp mà không gây hư hại cho công trình vĩ đại này.
Bằng kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực vật lý hạt, tương tự như các bác sĩ chụp X-quang cho bệnh nhân, các nhà khoa học đã khám phá ra cấu trúc bên trong của kim tự tháp mà không cần can thiệp vào bề mặt của nó.
Đây là một kỹ thuật tiên tiến được sử dụng ở Nhật Bản để nghiên cứu hoạt động bên trong của núi lửa và theo dõi hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Fukushima.
Sau khi “khoảng trống” bí ẩn này được tìm ra, có nhiều tranh cãi trong giới khoa học về vai trò của nó. Có người cho rằng nó được thiết kế để giảm áp lực cho phần nóc vốn rất mỏng của Đại Hành Lang. Tuy nhiên, có người lại cho rằng khoảng trống này quá lớn để giữ vai trò đó.
Mặc dù vậy, đa số đều đồng tình rằng khám phá mới này sẽ mở ra hy vọng giải đáp bí ẩn về cách người Ai Cập cổ xây dựng kim tự tháp vốn đã làm đau đầu các nhà khoa học hàng ngàn năm qua.
Đại kim tự tháp Giza (hay còn gọi là kim tự tháp Khufu) là Kim tự tháp lớn nhất Ai Cập. Ban đầu, tháp có chiều cao lên tới 147m. Tuy nhiên, do xói mòn qua thời gian, chiều cao hiện tại chỉ còn 139m. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những công trình lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất và là kỳ quan duy nhất còn sót lại từ thời cổ đại.
Hoàng Bách
(tổng hợp)