Theo Guardian, các thợ săn hóa thạch đã phát hiện xương chim cánh cụt tiền sử trong những khối đá trầm tích hình thành từ 55 đến 60 triệu năm tại nơi hiện nay là bãi biển Hampden ở Otago thuộc Đảo Nam của New Zealand.
Các phép đo một phần bộ xương cho thấy con chim có cân nặng khoảng 100 kg và chiều dài cơ thể là 1,77 m, bằng với chiều cao trung bình của một người đàn ông Mỹ. Chim cánh cụt hoàng đế, loài cánh cụt cao nhất còn sống ngày nay, chỉ đạt 1,2 m chiều cao khi trưởng thành.
Hình minh hoạ cho thấy tương quan kích cỡ của một con chim cánh cụt khổng lồ Kumimanu biceae với con người. Ảnh: Gerald Mayr/AP.
Những con chim cánh cụt đã tiến hóa từ loài chim bay hàng chục triệu năm trước, nhưng rồi mất khả năng bay và trở thành động vật bơi lội. Sau khi nối đất, một số loài chim cánh cụt đã trở nên lớn hơn, tăng từ khoảng 80 cm đến gấp đôi kích thước.
Những mảnh xương của con cánh cụt tiền sử này, bao gồm xương cánh, xương sống, xương ngực và xương chân, lần đầu được khám phá cách đây hơn một thập kỷ, nhưng tảng đá chứa xương hóa thạch cứng đến nỗi tới nay các nhà nghiên cứu mới có thể phát hiện và nghiên cứu phần còn lại.
Thay vì màu đen – trắng thông thường, chim cánh cụt cổ có thể có màu nâu và mỏ dài hơn thế hệ ngày nay. “Rất có thể nó cũng thon thả hơn và trông không được dễ thương lắm”, Gerald Mayr từ Viện Nghiên cứu Senckenberg và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Frankfurt, cho biết. “Đó là một trong những con chim cánh cụt cao nhất từng được tìm thấy”.
Những mảnh xương của chim cánh cụt cao 1.77 m. Ảnh: Gerald Mayr/Viện Nghiên cứu Senckenberg.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên loài cánh cụt mới phát hiện này là Kumimanu biceae. Hóa thạch của cánh cụt khổng lồ đã được tìm thấy có niên đại từ 20 triệu đến 50 triệu năm trước đây, những trường hợp cũ hơn là rất hiếm. Mẫu vật mới nhất được công bố trong tạp chí Nature Communications cho thấy một số chim cánh cụt đã trở thành khổng lồ ngay sau khi loài này phát triển và chuyển từ bay sang lặn.
Vào thời điểm loài chim “không cánh” được cho là đã sống, nó có thể đã chia sẻ môi trường cận nhiệt đới ấm áp với các loài chim biển khác, rùa và cá mập. Chim cánh cụt khổng lồ đã tuyệt chủng khoảng 20 triệu năm trước, khi động vật có vú ở biển như cá voi hay hải cẩu xuất hiện.
Một loài chim cánh cụt khổng lồ, được phát hiện ở Nam Cực năm 2014, thậm chí còn cao hơn Kumimanu biceae. Xương từ con chim cánh cụt “37 tuổi”, hay Palaeeudyptes klekowskii, cho thấy con vật này có chiều dài 2 m tính từ mỏ đến chân và nặng 115 kg.
MT (Tổng hợp)