Bị bãi chức vì can vua (hình minh họa).
Bài thơ làm trước khi qua đời
Phạm Mại từ khi “làm Tham tri chính sự, trải nhiều năm làm việc trong triều rất có tiếng tăm”. Một hôm ông ốm nhẹ nhưng dường như biết số mệnh sắp hết bèn lấy bút làm bài thơ: “Lâm chung thị ý” (Bày tỏ ý mình khi sắp mất): Trong bài thơ, Phạm Mại tự nhận mình ngoài sáu mươi, do đó niên đại của ông có thể là 1268 – 1330. Bài thơ như sau:
Tự lòng trích lạc hạ nhân gian – Lục thập dư niên nhất thuấn khan – Bạch Ngọc lâu tiền thu dạ nguyệt – Triều chân y cựu bạng lan can.
Nghĩa là: Bị đầy xuống nhân gian bụi đất – Quá lục tuần nháy mắt bạc đầu – Trăng thu sáng bạch ngọc lầu – Lan can lại dựa ta chầu trời đây.
Làm thơ xong, ông buông bút rồi qua đời. Sách “Giai thoại dã sử Việt Nam” có lời bàn: Phạm Mại quả là người cương trực đáng kính, ông đã làm tất cả những gì chức phận buộc phải làm, bất chấp cả cơn giận ghê gớm của Hoàng đế. Việc ấy, nếu không có bản lĩnh cao cường của bậc đại dũng quyết không thể nào làm được…
Bài thơ viết trước khi qua đời của Phạm Mại thể hiện khá rõ phong thái ung dung của ông. Sống hết lòng với đời thì khi tiếp cận với cái chết, bao giờ lòng người cũng được thanh thản bởi vì họ có còn gì ân hận nữa đâu.
Phạm Mại từng làm quan ngự sử mà theo sách Hán thư vào đời Hán, cạnh đài sử trồng nhiều cây Bách, quạ đậu nhiều nên người ta gọi đài Ngự sử là Ô đài (đài chim quạ) vì thế Trần Minh Tông ban cho ông một bài thơ khen ngợi:
Đài ô cửu hỹ cấm vô thanh – Chỉnh đốn triều cương sự phỉ khinh – Điện thượng ngang tàng ưng hổ khí – Nam nhi đáo thử thị công danh
Nghĩa là: Bấy lâu im tiếng chốn Ô đài – Chỉnh đốn triều cương há chuyện chơi – Hùm, cắt ngang tàng nơi điện ngọc – Công danh đến thế xứng tài trai.
Bị bãi chức vì can vua
Trong Đại Việt sử ký của Ngô Sĩ Liên đã nhiều lần nhắc đến ông như là một người công minh, thẳng thắn. Bắt đầu vào triều với chức Thị nội học sinh. Dưới triều Trần Minh Tông (1314 – 1329), năm 1314 ông có đi sứ nhà Minh cùng với Nguyễn Trung Ngạn. Khi về làm chức Ngự sử trung tán.
Khi ở Ngự sử đài, Phạm Mại nổi tiếng là người “cương trực dám nói, có phong cách của người bề tôi can ngăn ngày xưa”.
Theo sách “Nam Ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng, khi Phạm Mại đang giữ chức Ngự sử trung thừa, thì năm 1328 bị bãi chức trong vụ án Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn. Nguyên do là ông dám “lên tiếng” cả với vua, khi thấy Trần Quốc Chẩn bị oan sai. Mãi sau này, khi vụ án được sáng tỏ, Phạm Mại mới được thăng lên chức Môn hạ sảnh đồng tri.
Quốc tể là một từ ghép của Quốc thúc (chú vua) với chức Tể tướng khi nhắc đến Trần Quốc Chẩn, con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông và là chú ruột của vua Trần Minh Tông.
Năm Quý Tị 1293, khi mới 12 tuổi, Trần Quốc Chẩn được phong tước Huệ Võ Đại Vương, sau đó giữ chức Nhập nội bình chương, từng tham gia chiến trận và nhiều lần lập công.
Trước khi mất, vua Trần Anh Tông ủy thác cho Trần Quốc Chẩn phụ tá giúp Trần Minh Tông với vai trò là một vị “cố mệnh đại thần”. Từ đó vua Trần Minh Tông trọng dụng ông, liên tiếp ban cho nhiều ân điển để khuyến khích.
Tháng 12 năm Quý Hợi 1323 Trần Minh Tông sách phong cho con gái trưởng của Trần Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa làm hoàng hậu lệ thánh; tháng 4 năm Giáp tý 1324, phong cho Trần Quốc Chẩn (chú ruột và cũng là nhạc phụ của mình) làm Nhập nội quốc phụ Thượng tể… Thế nhưng Trần Quốc Chẩn, một con người tài đức vẹn toàn lại bất ngờ phải chịu cái án oan rồi phải trả bằng chính mạng sống của mình.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Hữu