TS Trần Trung Chính Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng cho rằng, khối vật chất thành phố càng lớn, càng tiêu thụ nhiều vật liệu thì sẽ làm nghèo, cạn kiệt tài nguyên và lấy đi những cơ hội phát triển từ các vùng quanh nó. Ở Hà Nội chẳng hạn, cái chết (theo nghĩa đen) của sông Nhuệ là do sông Hồng không cấp nước cho nó nữa. Do bị khai thác cát liên tục với khối lượng rất lớn khiến đáy sông Hồng đã thấp hơn nhiều so với trước kia, tạo nên sự chênh cốt so với đáy sông Nhuệ (cao hơn đáy sông Hồng). Nước không thể tự chảy từ chỗ thấp lên cao là nguyên nhân cái chết của dòng Nhuệ vốn nuôi sống gần hai triệu cư dân trong lưu vực của nó xưa kia.
Các lòng sông vùng hạ lưu sông Mekong đã bị hạ thấp đến vài mét trên hàng trăm cây số chiều dài sông chỉ trong vài năm do khai thác cát. Đáy những con sông lớn bị hạ thấp không chỉ như “cổng cống đã mở” cho nước mặn tràn sâu vào mà tạo nên chênh lệch cốt đáy của chúng với đáy các chi lưu vốn đóng vai trò mạng cung cấp nước canh tác cho các vùng đồng bằng rộng lớn. Hạn nặng và bị nước mặn xâm nhập sâu có nguyên do từ từ sự phát triển quá mức của đô thị. Do đó, Chính phủ cần kiểm soát được dòng vật liệu (cát, đá... giống như quy định phải xuất trình giấy tờ xuất xứ gỗ tự nhiên) trong xây dựng đô thị, không chỉ để bảo vệ tài nguyên, mà rất quan trọng là giữ sự cân bằng giữa các địa phương trong một không gian kinh tế chung.
Ở nhiều nước phát triển từ lâu các nhà nghiên cứu đã xây dựng những mô hình mạng lưới đô thị nhỏ, phân tán, dựa trên khả năng cung cấp vật liệu và năng lượng tại chỗ (cho các nhóm tiêu thụ chính như thức ăn, xây dựng, giao thông và vận tải, sản xuất) chứ không phải đô thị hóa bằng cách tiếp tục phát triển các siêu thành phố.