Tách chiết collagen từ vảy cá
TS Nguyễn Thúy Chinh, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết thông thường, vảy cá là thứ bỏ đi trong quá trình chế biến cá, rất lãng phí. Với mong muốn tận dụng loại rác thải này ứng dụng vào y học, TS Chinh đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu khả năng tái tạo mô cơ, chữa lành các vết thương nhanh chóng của vảy cá do thành phần collagen rất lớn của nó. Vảy cá chép nước ngọt được chị chọn nghiên cứu thấy chứa collagen loại I cùng 18 axit amin có lợi, mang nhiều ưu điểm vượt trội hơn collagen từ động vật có vú. Trong đó nổi bật là collagen này có tính an toàn cao (không có nguy cơ dịch bệnh từ động vật có vú), không chứa chất béo và dễ dàng hấp thụ vào cơ thể người.
Đây là nguyên liệu sinh học đầy tiềm năng trong việc ứng dụng làm vật liệu y sinh có thể tái tạo mô và chữa lành vết thương. Ở góc độ lý thuyết, điều này rất phù hợp và hoàn toàn có cơ sở khoa học để thực hiện do thành phần của vảy cá có rất nhiều điểm tương đồng so với thành phần các sản phẩm tái tạo mô cơ. Sau nhiều tháng nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy collagen từ vảy cá mang allopurinol giúp định hướng ứng dụng điều trị giảm axit uric trong máu, tác nhân gây bệnh gout.
Cầm máu, trị vết thương
TS Nguyễn Thúy Chinh cho biết, không chỉ có tác dụng giảm axit firic mà vảy cá còn có thể được sử dụng vào rất nhiều lĩnh vực y tế khác nhau. Sợi collagen tự nhiên từ vảy cá có thể kết hợp với các hoạt chất Rb1, polyphenol trà hoa vàng để ứng dụng làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương. Hiện nay trên thế giới vật liệu collagen từ vi sợi có khả năng cầm máu được ứng dụng phổ biến, tuy nhiên giá thành còn cao so với Việt Nam. Vì vậy chị mong muốn Việt Nam có thể chế tạo vật liệu collagen từ vảy cá cũng có tác dụng cầm máu nhưng mức giá hợp lý. Nhóm đang nghiên cứu sâu về khả năng điều trị vết thương và tái tạo mô ở cơ thể người từ collagen vảy cá và có một đăng ký sáng chế đang trong quá trình thẩm định nội dung tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Với kết quả nghiên cứu này và những đóng góp cho khoa học, năm 2019 chị là một trong hai nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới. Thành quả gặt hái được từ những nỗ lực của chị là 31 bài báo quốc tế ISI, 3 bài báo được đăng trong danh mục Scopus, 69 bài báo trong nước và chủ nhiệm một đề tài quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).
TS Chinh cho biết, trên cơ sở tách sợi collagen từ vảy cá biến tính và các hoạt chất tự nhiên, chị sẽ tập trung chế tạo vật liệu y sinh mới sớm đưa vào ứng dụng làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương từ những nguyên liệu rẻ tiền trong đời sống thường ngày. Thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành đắt đỏ, TS Chinh hy vọng sẽ đem đến cho người bệnh những giải pháp rẻ tiền trong nước, có hàm lượng khoa học cao, giảm gánh nặng y tế cho những người không may mắc bệnh.