Thường dùng hạt và hoa sắc uống để cầm máu trong các trường hợp lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, đái ra máu, rong kinh…
Hoa mào gà có tác dụng trị nhiều bệnh.
Mào gà thuộc dạng cây thảo sống dai, cao tới 60-90cm, có thân thẳng đứng và phân nhánh, nhẵn. Lá có phiến hình trái xoan hay trái xoan ngọn giáo, có khi hình ngọn giáo nhọn, nhẵn. Hoa đỏ, vàng và trắng, có cuống rất ngắn, thành bông hầu như không cuống hình trái xoan – tháp, thành khối dày.
Quả hình trái xoan, gần như hình cầu, chứa 1-9 hạt đen, bóng. Bộ phận làm thuốc: Cụm hoa (thường gọi là Kê quan hoa), hạt và lá…Thu hái cụm hoa và hạt vào mùa thu, khi hoa đang nở, đem phơi khô.
Cụm hoa có vị ngọt, tính mát, tác dụng của hoa mào gà tiêu viêm, cầm máu. Hạt làm nhầy dịu. Ở Ấn Ðộ hạt dùng đắp mụn nhọt mưng mủ.
Trị ho và lỵ ngày dùng 10 -15g dạng thuốc sắc. Hoa và lá còn dùng chữa sốt của trẻ em. Hạt nhai nuốt nước, lấy bã đắp trị rắn cắn. Kê quan hoa còn dùng trị lỵ, xích bạch đới và viêm đường tiết niệu.
– Chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu dạ dày: Mào gà, thiến thảo, cỏ nhọ nồi (cỏ mực) đều 15g, sắc uống.
– Trĩ ra máu, tử cung xuất huyết: Bông mào gà phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 5g với nước trà.
– Viêm đường tiết niệu: Mào gà, biển súc, mỗi vị 15g, thài lài 30g, sắc nước uống.
– Lỵ bạch đới: Mào gà, lát khét (rễ) mỗi vị 15g sắc nước.
Ly Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng)