Phá bỏ Hàm cá mập, trả lại vẻ đẹp lung linh cho Hồ Gươm

KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, việc phá bỏ “Hàm cá mập” hay những công trình đồ sộ, chèn lấn quanh Hồ Gươm là cần thiết, để trả lại vẻ đẹp lung linh cho Hồ Gươm, giống như quy hoạch của người Pháp trước đây.
Tòa nhà “Hàm cá mập” tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, sẽ bị phá dỡ trước ngày 30/4/2025 theo quyết định của UBND thành phố. Đây là một phần trong dự án cải tạo và tái thiết Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục nhằm tăng cường không gian công cộng và kết nối giữa khu di tích hồ Hoàn Kiếm với khu phố cổ.
Chuyen gia kien truc: Pha bo Ham Ca Map, tra lai ve dep lung linh cho Ho Guom
Việc phá bỏ Hàm Cá Mập thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh:Gia Đạt
Cần xây dựng bức tranh tổng thể về việc cải tạo Hồ Gươm
Được xây dựng từ năm 1990 trên nền nhà xe điện cũ, tòa nhà 6 tầng này có vị trí đắc địa với mặt trước hướng ra Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, mặt trái hướng ra hồ Hoàn Kiếm và mặt phải giáp phố Cầu Gỗ. Tuy nhiên, kiến trúc của tòa nhà đã gây tranh cãi do che khuất tầm nhìn và ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.
Sau khi phá dỡ, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng không gian ngầm với khoảng 3 tầng hầm, bao gồm không gian văn hóa, thương mại tại tầng hầm 1 và khu vực đỗ xe tại tầng hầm 2 và 3. Trên mặt đất, khu vực sẽ được cải tạo cảnh quan, bố trí không gian cây xanh và hệ thống chiếu sáng, tạo không gian mở phục vụ cộng đồng.
Dự kiến, việc phá dỡ tòa nhà sẽ tiêu tốn khoảng 18 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Sau khi hoàn thành, không gian mới sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử và văn hóa của khu vực hồ Hoàn Kiếm, đồng thời tạo điểm nhấn kiến trúc và không gian công cộng cho người dân và du khách.
Quyết định phá bỏ “Hàm cá mập” thu hút sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia với nhiều ý kiến trái chiều. Bởi tòa nhà nằm ở vị trí trung tâm, ngay cạnh Hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của Hà Nội. Việc phá dỡ Hàm cá mập nằm trong cảnh quan chung của khu vực lịch sử. Ngoài ra, nó còn là một công trình có tuổi đời và gắn liền với ký ức của nhiều người dân Hà Nội và là tổ hợp thương mại dịch vụ lớn.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, việc chỉnh trang khu vực Hồ Gươm là cần thiết để phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trong việc mở rộng diện tích không gian công cộng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần phải chú trọng đến việc tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, đảm bảo sự cân bằng trong mọi quyết định.
Theo ông Nghiêm, việc phá bỏ công trình phải được suy tính thận trọng, đảm bảo giữa các mục tiêu phát triển đô thị và bảo tồn giá trị di sản. Ông cũng nhấn mạnh, trước đây, các lãnh đạo như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ đạo và đã có hai lần sửa chữa theo các ý kiến trước đó. Việc này cho thấy sự cần thiết phải tôn trọng các quy hoạch, bảo vệ các giá trị lịch sử, nhưng cũng cần sự linh hoạt trong quá trình phát triển.
"Điều quan trọng là phải xây dựng một bức tranh tổng thể về việc cải tạo Hồ Gươm để phục vụ cho yêu cầu phát triển mới của thành phố. Cần phải có các dự án ưu tiên hợp lý để đảm bảo lợi ích lâu dài, giúp phát triển kinh tế mà vẫn giữ gìn được giá trị văn hóa, di sản," ông Nghiêm nhấn mạnh.
Càng xử lý được những công trình đồ sộ quanh Hồ Gươm càng tốt
Trao đổi với phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS.KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết, việc phá bỏ công trình “Hàm cá mập” gần đây và mở rộng khu vực phía Đông Hồ Hoàn Kiếm là một quyết định tích cực đối với không gian chung của khu vực này. Hồ Hoàn Kiếm trong một thời gian dài đã chịu tác động của việc chèn lấn không gian xung quanh, vì vậy việc tháo dỡ công trình “Hàm cá mập” cùng các công trình khác dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng đến đầu Trần Nguyên Hãn là một bước đi cần thiết để giúp không gian xung quanh hồ trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn.
Chuyen gia kien truc: Pha bo Ham Ca Map, tra lai ve dep lung linh cho Ho Guom-Hinh-2
Vẻ đẹp lung linh của Hồ Gươm. Ảnh: Gia Đạt
PGS.TS.KTS Ngô Doãn Đức nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng phải là bảo vệ và tôn vinh vẻ đẹp của Hồ Gươm, chứ không phải bảo vệ những công trình như “Hàm cá mập” , bưu điện, hay các công trình như Bảo Việt và trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố. Ông không bàn đến chất lượng kiến trúc của những công trình này, nhưng khối tích của chúng không phù hợp với không gian của Hồ Gươm và đang chèn lấn vẻ đẹp vốn có của Hồ.
Theo KTS Ngô Doãn Đức, Hồ Gươm trở nên sang trọng và lung linh hơn là nhờ vào việc tháo dỡ những công trình lớn xung quanh, càng xử lý được những công trình này càng tốt. Phương pháp quy hoạch của người Pháp trước đây cho khu vực Hồ Gươm là xây dựng những ngôi nhà thấp, chỉ khoảng hai đến ba tầng, với thiết kế nhỏ nhắn, xinh xắn, và hài hòa với cây cối.
“Chúng ta cần quay lại với phương pháp quy hoạch này, thay vì xây dựng những công trình cao và đồ sộ, điều đó không phù hợp với không gian của Hồ Gươm. Dù có một số người vẫn bày tỏ lo lắng hay hoài niệm, nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên chỉ nhìn vào cái cây mà bỏ qua cánh rừng vấn đề, đừng nhìn vào từng chi tiết nhỏ mà bỏ qua bức tranh tổng thể. Vì bảo vệ vẻ đẹp của Hồ Gươm là điều quan trọng nhất”, KTS Ngô Doãn Đức nhấn mạnh.
KTS Ngô Doãn Đức cho biết, việc tháo dỡ công trình “Hàm cá mập” sẽ tạo cơ hội để mở rộng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, điều mà khu vực này hiện đang thiếu để có thể tập trung đông người hơn trong không gian sẵn có. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm kích thước các công trình xung quanh, tạo nên một không gian hài hòa hơn.
Một điểm quan trọng nữa là khu vực lân cận có ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 đi qua cạnh Hồ Gươm. Trước đây, việc giải quyết vấn đề nhà ga và điểm lên xuống của tuyến đường sắt này gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi tháo dỡ “Hàm cá mập” và giải phóng không gian xung quanh bờ Đông Hồ Gươm, chúng ta sẽ có cơ hội giải quyết triệt để vấn đề này, tạo ra một không gian thông thoáng và thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, KTS Ngô Doãn Đức nhấn mạnh, sau khi di dời các công trình, cần có thiết kế đô thị phù hợp để đảm bảo hài hòa với cảnh quan Hồ Gươm. Tránh tình trạng xây dựng các công trình xấu xí, không phù hợp.
“Nên có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến Hồ Gươm, tránh duy ý chí. Cần công bố các dự án, phương án cụ thể để người dân được biết và đóng góp ý kiến”, ông Đức nói.
Theo VietnamDaily
back to top