PGS.TS Huỳnh Trọng Phước là giảng viên cao cấp Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Bách Khoa thuộc Ðại học Cần Thơ. Chủ nhân Quả cầu vàng 2023 cho hay, sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là “bà xã” rất quan trọng, khiến anh có thể yên tâm, chuyên tâm nghiên cứu cho khoa học.
PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, chủ nhân Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng năm 2023. |
Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng ở lĩnh vực công nghệ vật liệu mới
PGS.TS Huỳnh Trọng Phước còn trẻ (sinh năm 1988), nhưng đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Anh có 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia; 19 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 và 13 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q2; 27 bài báo công bố trên tạp chí khoa học trong nước, cùng nhiều thành tích khác.
Năm 2022, anh là một trong những PGS trẻ nhất Việt Nam. Vừa qua, PGS.TS. Huỳnh Trọng Phước được nhận giải thưởng KHCN Quả cầu vàng ở lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.
Theo PGS Phước, các công trình nghiên cứu của anh chủ yếu là về vật liệu xây dựng theo hướng tận dụng các nguồn phụ phẩm công nghiệp trong sản xuất các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Tiêu biểu là công trình tận dụng phế thải bùn lắng của nhà máy xử lý nước để chế tạo thành vật liệu san lấp.
Công trình này nằm trong một dự án đặt hàng khi anh đang làm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc). Doanh nghiệp có lượng bùn lắng tồn đọng rất lớn, trong khi các giải pháp xử lý của họ chưa thực sự hiệu quả nên họ đặt ra yêu cầu nghiên cứu chế tạo loại vật liệu có thể dùng để san lấp nội bộ trong công ty của họ.
“Kết quả thử nghiệm trong phòng rất tốt, khi mang ra thử nghiệm hiện trường đã san lấp được diện tích tương đối rộng, đơn vị đặt hàng đã nhất trí nghiệm thu dự án vì kết quả phù hợp với yêu cầu về mặt kỹ thuật, kinh tế và môi trường”, PGS.TS Huỳnh Trọng Phước kể.
Với công trình này, anh Phước đã đóng góp giải pháp tận dụng hiệu quả lượng lớn bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước và tro bay nhiệt điện để sản xuất vật liệu cường độ thấp có kiểm soát, với định hướng ứng dụng trong san lấp mặt bằng nhằm thay thế nguồn cát san lấp đang rất khan hiếm hiện nay.
Anh Phước cho biết, phụ phẩm công nghiệp ở Việt Nam hiện rất nhiều, như tro bay nhà máy nhiệt điện, xỉ gang xỉ thép, tro trấu… Nếu không được tận dụng một cách có hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Anh đã làm rất nhiều nghiên cứu tận dụng các nguồn phụ phẩm này làm thành các loại vật liệu xây dựng hữu ích và thân thiện hơn với môi trường. Trong đó, công trình gần đây nhất là sử dụng xỉ đốt rác của nhà máy phát điện để làm gạch lát vỉa hè. Ngoài ra, còn có công trình về bê tông mặt đường giao thông nông thôn sử dụng nhiều tro bay từ các nhà máy nhiệt điện. Công trình đã ứng dụng thử nghiệm trong thực tế, đang trong quá trình quan trắc để đánh giá dài hạn.
Chân dung PGS.TS. Huỳnh Trọng Phước. |
Cố gắng vì đam mê
Theo PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, làm nghiên cứu khoa học ở môi trường nào cũng có những thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của anh là tùy từng trường hợp cụ thể, khi triển khai dự án, cố gắng tận dụng những cái mình đang sẵn có tại cơ quan, tại những đơn vị mình có kết nối tốt để phát huy những mặt thuận lợi cho việc triển khai.
Anh có may mắn là lãnh đạo nhà Trường rất ủng hộ nghiên cứu khoa học, đặc biệt với những giảng viên trẻ, Trường tạo mọi điều kiện hỗ trợ về thiết bị, công nghệ, kinh phí để triển khai các nghiên cứu.
Đối với những nghiên cứu chuyên sâu, anh chủ động liên kết với các đơn vị bên ngoài nhà trường, hoặc các giáo sư cũ, họ sẵn sàng hỗ trợ. Trong quá trình làm nghiên cứu, nhiều lúc không đạt được kết quả như mong muốn cũng nản lòng.
“Nhưng vì đam mê, cứ suy nghĩ, hôm nay mình làm chưa được thì cố gắng hơn chút nữa, ngày khác sẽ đạt được. Thời gian tôi du học ở Đài Loan khá vất vả, thường xuyên phải thức đêm đến 2h sáng, nhưng nhờ có đam mê nên tôi vẫn giữ được niềm tin và quyết tâm theo đuổi nghiên cứu dù có thất bại”, anh Phước tâm sự.
PGS.TS Huỳnh Trọng Phước cũng có một nhóm nghiên cứu, cộng sự, có cả các thầy rất đồng sức đồng lòng, điều này rất quan trọng. Mỗi lần làm gì, nhóm cũng họp bàn với nhau, đưa ra chương trình, kế hoạch chi tiết. Do đó, có những lúc làm không thành công, bằng động lực cả nhóm động viên với nhau thì vẫn vượt qua. Đặc biệt, anh có một hậu phương vững chắc, chỗ dựa để anh có thể an tâm làm nghiên cứu.
“Gia đình tôi rất ủng hộ, đặc biệt là ‘bà xã’ đã luôn động viên, quán xuyến hết công việc gia đình. Mỗi khi về nhà là tôi cảm thấy bình yên, an tâm về mọi thứ. Đó cũng chính là lý do để tôi có thể tập trung toàn tâm trí cho khoa học”, PGS.TS Huỳnh Trọng Phước tâm sự.
Anh Phước nói thêm: “Giai đoạn ở nước ngoài, thức đêm làm thí nghiệm ở phòng nghiên cứu đến 2h sáng là chuyện bình thường và diễn ra từ tháng này sang tháng khác. Nhưng được làm đúng đam mê nên năng lượng của tôi nhiều dữ lắm. Tôi luôn giữ tinh thần lạc quan và niềm tin sẽ thành công ngay cả khi thử nghiệm chưa đạt kết quả như mong muốn”.
PGS.TS Huỳnh Trọng Phước bên gia đình. |
Nạp năng lượng tích cực qua hoạt động phong trào
Theo PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, mảng nghiên cứu vật liệu đòi hỏi am hiểu nhiều lĩnh vực. Để tìm ra một công thức tối ưu hay một sản phẩm đạt chất lượng, có khi phải lặp lại hàng trăm thí nghiệm.
Công việc nghiên cứu căng thẳng, anh cân bằng với việc tham gia các hoạt động, phong trào. Thời sinh viên, anh luôn tham gia các hoạt động đoàn thanh niên và phong trào của hội, thích gặp gỡ, giao lưu với mọi người.
Tốt nghiệp hai bằng đại học cùng loại giỏi, khi ở lại Trường công tác, anh vẫn tiếp tục tham gia công tác đoàn hội với vai trò là Bí thư đoàn khoa, Ủy viên ban thư ký hội sinh viên trường. Khi đi du học, anh tích cực tham gia phong trào du học sinh Việt Nam và các hoạt động do Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức. Anh từng được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2015.
“Tôi đã tìm thấy những niềm vui, sự trưởng thành, và nạp thêm được nhiều năng lượng tích cực qua những hoạt động này”, anh Phước nói.
Giải thưởng KHCN “Quả cầu vàng” nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước. 5 lĩnh vực được xét chọn gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.
Theo PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, anh rất vinh dự khi nhận giải thưởng này, vì quá trình cống hiến của bản thân đã được trân trọng, tôn vinh. “Đây là điểm rất quan trọng để tôi tiếp tục phấn đấu tiếp trong thời gian tới”, anh Phước nói.