Nút mạch cầm máu cấp cứu
Bệnh nhân nam (66 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện vì đại tiện ra máu. Bệnh nhân được nội soi dạ dày và đại tràng nhưng không tìm thấy điểm chảy máu. Mặc dù đã được truyền 5 đơn vị khối hồng cầu, nhưng tình trạng thiếu máu tăng dần. Sau khi được hội chẩn liên chuyên khoa xác định đây là trường hợp nặng nghi ngờ chảy máu từ ruột non, cần can thiệp cầm máu càng sớm càng tốt, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến phòng Can thiệp mạch để nút mạch cầm máu cấp cứu.
Bệnh nhân được chụp động mạch mạc treo tràng trên và phát hiện có dị dạng mạch ruột non vùng hạ vị bên trái đang chảy máu. Sau khoảng 30 phút kíp can thiệp đã nút tắc hoàn toàn dị dạng mạch bằng các vòng xoắn kim loại (Coil). Sau khi cầm được máu, huyết động bệnh nhân đã ổn định và xuất viện vài ngày sau đó.
ThS.BS Lê Quang Hòa, Phó trưởng phòng Đào tạo, chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, chảy máu ruột non tuy ít gặp ít gặp nhưng tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị phù hợp. Đây là bệnh nhân chảy máu ruột non thứ hai được cấp cứu thành công bằng phương pháp nút mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Hình ảnh can thiệp cầm máu ruột non: A - Chụp động mạch Mạc treo tràng trên thấy dị dạng mạch máu ruột non; B - Đưa vi ống thông siêu chọn lọc vào dị dạng mạch; C - Nút tắc hoàn toàn dị dạng mạch bằng vòng xoắn kim loại (Coil). |
Nhiều bệnh lý nguy hiểm nhưng khó phát hiện
Theo ThS.BS Nguyễn Bạch Đằng, Bệnh viện Quân y 103, chảy máu ở ruột non là một trong các bệnh lý khó phát hiện nhất. Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu ở ruột non:
Viêm ruột xuất huyết: Thường xuất hiện khi bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh bằng nội độc tố như E.coli có nhóm huyết thanh 0 157-H7. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tình trạng nhiễm khuẩn nặng, đau bụng, tiêu chảy, phân có máu tươi hoặc màu đỏ sẫm. Bệnh nhân có thể có tình trạng mất nước, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và chảy máu. Điều trị chủ yếu là kháng sinh mạnh, bù nước và điện giải, nếu cần có thể phải truyền máu.
Bệnh Scholein Henoch: Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, có thể do miễn dịch dị ứng. Bệnh thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Bệnh có nhiều thể, với thể tổn thương tiêu hóa, biểu hiện chủ yếu là tình trạng nhiễm khuẩn với sốt, đau khớp, đau bụng, đại tiện phân máu thường là tươi hoặc đỏ bầm. Điều trị cần phối hợp corticoid.
Thương hàn: Ngoài những triệu chứng của bệnh cảnh thương hàn, biến chứng chảy máu thường xảy ra sau 1-2 tuần do biến chứng loét ruột, có thể kèm theo biến chứng thủng ruột. Bệnh nhân đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm. Ngoài điều trị chảy máu cần chú ý điều trị thương hàn.
Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Đây là một cấp cứu nội - ngoại khoa. Bệnh cảnh thường nặng nếu xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40 - 41 độ C. Đau và trướng bụng, đại tiện phân đen mùi thối khắm. Điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch, cân nhắc điều trị ngoại khoa khi có biến chứng.
Bệnh Crohn: Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Biến chứng chảy máu thường gặp vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh với tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột. Điều trị bằng kháng sinh, corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
Loét túi thừa Meckel: Đây là bệnh cảnh hiếm gặp, chẩn đoán lâm sàng rất khó. Bệnh có thể chảy máu từng đợt tự ngừng, có thể kèm theo sốt hoặc không, khám vùng hố chậu phải có thể đau.
Lồng ruột: Thường là lồng hồi - hồi tràng hoặc hồi - manh tràng, bệnh thường xảy ra ở những trẻ em bụ bẫm 8 - 9 tháng tuổi có yếu tố thúc đẩy như sau tiêu chảy. Khởi bệnh với đau bụng từng cơn sau đó có dấu hiệu tắc ruột và đại tiện phân nhầy máu. Điều trị chủ yếu bằng ngoại khoa để cắt bỏ khối lồng ruột và cầm máu.
Ngoài ra, còn có thể gặp chảy máu ruột non từ các nguyên nhân hiếm gặp khác như lao ruột, ung thư ruột non, hoặc chảy máu từ ruột non trong bệnh lý chảy máu toàn thể như trong sốt xuất huyết, bệnh bạch cầu cấp...
Vì vậy, người dân cần chú ý khi thấy có các biểu hiện: Nôn ra máu (máu tươi, máu đen, máu cục, có thể lẫn với thức ăn, số lượng ít hoặc nhiều); Đi cầu phân đen (phân thường có màu đen như bã cà phê, mùi thối khắm); Loét dạ dày - tá tràng (đau thượng vị hay 1⁄4 trên phải); Loét thực quản (trào ngược thực quản, có rối loạn nuốt trước đây); Vỡ, giãn tĩnh mạch thực quản:(vàng da, yếu ớt, thiếu máu, mệt mỏi...); Hoặc da xanh tái, mạch khó bắt, huyết áp giảm, người mệt, li bì, vật vã, sốt... cần nghĩ tới xuất huyết tiêu hóa và đi viện cấp cứu ngay.