Tai nạn khi ăn phở khiến người đàn ông phải nhập viện
Theo thông tin Bệnh viện đa khoa Bác Giang, bệnh nhân Đ.H.L. (72 tuổi, trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) trong lúc ăn sáng không may nuốt luôn cả hàm răng giả gây đau đớn, nghẹn, khó chịu. Bệnh nhân cố tìm cách tự lấy ra nhưng không được nên vội vàng đến bệnh viện can thiệp.
Qua thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện cầu răng với ba răng giả có đầu kim loại cứng đang mắc kẹt tại dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định nội soi lấy dị vật ra khỏi đường tiêu hóa.
Khoảng 10 phút, bằng phương pháp dùng thòng lọng lồng vào dị vật đưa ra ngoài, các bác sĩ đã lấy ra cầu răng giả có kích thước khoảng 20x8mm.
Sau khi lấy dị vật ra khỏi dạ dày, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không còn đau, vướng, cảm giác dễ chịu, được các bác sĩ cho xuất viện về nhà trong ngày.
Dị vật sau khi đươc lấy ra. Ảnh BVCC |
Nuốt phải dị vật nên xử trí thế nào?
Theo BSCKII Đinh Thu Oanh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới nhưng có một số nghiên cứu cho thấy rằng nam gặp nhiều hơn nữ. Một số tình huống thường gặp là:
Dị vật là xương (xương cá, xương gà…) thường gặp ở người có thói quen ăn nhanh, vừa ăn vừa làm việc, tiếp khách, nhậu...
Dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ.
Dị vật là răng giả: Khi ăn uống người bệnh có thể nuốt luôn cả răng giả hay gặp ở loại răng giả có thể tháo lắp.
Dị vật là đồ chơi: trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi, do đó dị vật thường là đồ chơi, đồng xu, cục pin.
Dị vật là cây tăm: Người có thói quen ngậm tăm có thể vô tình nuốt phải cây tăm, thường phát hiện ngay hoặc đôi khi nuốt phải mà không biết.
Dị vật có thể là khối thức ăn, hay gặp ở người lớn tuổi, răng yếu.
Trường hợp cố tình nuốt dị vật như: tù nhân trong trại, người tâm thần…
Bác sĩ Oanh cho biết thêm, có những dị vật được xem là nguy hiểm, phải đến bệnh viện ngay khi nuốt. Cụ thể:
Dị vật sắc nhọn (xương cá, kim loại, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn nguyên vỏ): Nếu không lấy ra những đầu sắc nhọn có thể gây tổn thương, chảy máu, thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng gây nguy hiểm tới tính mạng. Trong nhóm này, lưu ý dị vật đâm xuyên thành thực quản vào cung động mạch chủ và gây tử vong tức thì.
Dị vật gây độc như pin đèn: Trong pin đèn có các loại hóa chất khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt của đường tiêu hóa tạo ra chất gây bỏng niêm mạc và có thể gây thủng.
Dị vật gây tắc nghẽn.
Với nhóm dị vật này, hội nội soi châu Âu khuyến cáo phải nội soi sớm trong 2 giờ đầu, chậm nhất là 6 giờ.
Phòng ngừa nuốt dị vật thế nào?
- Hạn chế tình huống vừa ăn vừa nói chuyện, tiếp khách, trường hợp cần thiết thì nên chọn các món ăn không có xương.
- Trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh trộn (chan) canh vào cơm ăn cùng một lúc.
- Khi ăn trái sơ ri không nên nuốt hạt
- Người già và trẻ nhỏ tránh thức ăn dai, gân, da, cần cắt nhỏ nấu mềm.
- Cẩn thận khi ăn các món thịt cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.
- Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong.
- Không cho trẻ em chơi các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, để những vật dụng gây nguy hiểm như pin đèn xa tầm tay của trẻ.
- Nhớ loại bỏ vỏ viên thuốc trước khi dùng, khuyến khích các công ty dược sản xuất thuốc đóng trong chai và hạn chế sản xuất các loại thuốc đóng vỉ.
Khi nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay ở các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện (X-quang, nội soi…) không nên tự ý điều trị tại nhà, hay điều trị theo mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.