3 tháng tăng 16kg vì đồ ăn nhanh
Bệnh nhân P.A, 32 tuổi, ở Hà Nội, đã được tiến hành phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống. Trước đây món ăn yêu thích của chị là xúc xích, mỳ tôm, đồ ăn nhanh... Số cân nặng của chị bắt đầu tăng sau một mùa hè từ 47kg lên đến 63kg, và đạt mốc 93kg.
Bệnh nhân P.A đã đến khám và được tư vấn điều trị béo phì. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa phối hợp với chuyên gia Hàn Quốc đã tiến hành phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống để điều trị bệnh béo phì cho bệnh nhân. Đặc biệt, vị trí của các cơ quan phủ tạng của bệnh nhân P.A bị đảo ngược. Người bình thường lá lách nằm bên trái, bệnh nhân P.A lá lách nằm bên phải, gan đảo ngược chiều khiến cho cuộc mổ khó khăn hơn. Kíp mổ phải đứng vị trí ngược lại so với ca mổ bình thường khác.
Phẫu thuật loại bỏ vùng phình vị tiết hormon thèm ăn
Đại tá PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết: Phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn vùng phình vị lớn, nơi tiết ra hormon Ghrelin (loại hormon tạo cảm giác thèm ăn, cảm giác đói), đồng thời loại bỏ khoảng 70 đến 80% dạ dày phía bờ cong lớn, tạo ra một ống dạ dày hẹp với thể tích khoảng 150 đến 200 ml, từ đó giúp bệnh nhân sau phẫu thuật mất cảm giác thèm ăn, sẽ giảm cân ổn định sau mổ. Bệnh nhân sau mổ chỉ để lại vài vết sẹo nhỏ trên thành bụng (kích thước từ 1 đến 2cm) theo thời gian các vết sẹo này mờ dần và lẫn vào nếp da.
Sau phẫu thuật gần 2,5 tháng, bệnh nhân P.A giảm được 19kg, sức khỏe bệnh nhân tốt, tinh thần vui vẻ, tự tin hơn.
Đại tá PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, chúng tôi không chỉ tiến hành phẫu thuật mà liệu trình sau phẫu thuật cũng đảm bảo rất chặt chẽ.
Béo phì được công nhận là một bệnh
Béo phì là tình trạng lượng mỡ tích lũy trong cơ thể tăng lên nhanh chóng và bất thường. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ chính thức công nhận béo phì là một bệnh vào năm 2013.
Bệnh béo phì đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Thống kê năm 2015, thế giới có khoảng 1,9 tỷ người thừa cân và 609 triệu người béo phì, tăng gấp đôi so với năm 1980. Ước tính tới 57,8 % dân số thế giới sẽ bị thừa cân béo phì vào năm 2030. Chi phí y tế cho điều trị bệnh béo phì tại Mỹ lên tới 147 tỷ USD, chiếm tới 9% chi phi y tế hàng năm.
Béo phì không chỉ khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt, rối loạn về tâm lý mà đáng lo ngại khi bệnh béo phì làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý khác như tim mạch, bệnh phổi, bệnh về ống tiêu hóa, hệ thống cơ xương khớp...
Tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống, uống thuốc giảm cân, là các phương pháp áp dụng phổ biến trong điều trị béo phì, tuy nhiên kết quả thường không ổn định và tỷ lệ tái béo phì sau điều trị rất cao. Trong một số trường hợp các biện pháp trên không mang lại hiệu quả. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật trên dạ dày đang được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả giảm cân bền vững với tỷ lệ tái béo phì rất thấp. Đã nhiều thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên so sánh kết quả giữa phẫu thuật giảm cân với điều trị nội khoa (chế độ ăn, uống giảm cân, tập thể dục) cho thấy phẫu thuật giảm cân là phương pháp điều trị hiệu quả hơn đối với những bệnh nhân béo phì có hoặc không kèm tiểu đường và các bệnh kết hợp khác.