Nội soi sớm cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn tiết niệu

(khoahocdoisong.vn) - Sốc nhiễm khuẩn (NK) do sỏi gây tắc tiết niệu là một tình trạng nặng gây suy đa tạng với tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và điều trị tích cực, kịp thời. Bằng cách can thiệp tái thông chỗ tắc tạm thời bằng nội soi đặt sonde JJ sớm của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã cứu sống bệnh nhân (BN) với tỷ lệ cao.

Sỏi nhiễm khuẩn gây suy thận và suy đa tạng

Ông Nguyễn Quốc Hưng (75 tuổi ở Hà Nội) được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng vật vã, tái xanh, thở nhanh chóng, hổn hển, không đi tiểu được. Kết quả thăm khám cho thấy, ông bị NK tiết niệu do sỏi gây tắc nghẽn làm suy thận và suy đa tạng, nguy cơ tử vong cận kề. Vấn đề đặt ra là có nên can thiệp giải phóng chỗ tắc ngay hay chờ BN ổn định, thoát sốc mới tiến hành thủ thuật bởi BN đang phải thở máy qua ống nội khí quản, dùng các thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp... Sau khi hội chẩn các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã chuyên lên can thiệp nội soi đặt sonde JJ sớm để giải phóng chỗ tắc, lấy mẫu bệnh phẩm để nuôi cấy xác định tác nhân gây bệnh. Sau can thiệp do tuổi cao, bệnh nặng ông phải nằm hồi sức 20 ngày, cuối cùng cũng khỏi bệnh.

ThS.BS Nguyễn Hữu Hải, chuyên khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, đường tiết niệu sinh dục là một cơ quan rất dễ bị NK và NK tiết niệu là một nguyên nhân gây NK huyết. Có nhiều nguyên nhân gây NK tiết niệu: phẫu thuật sỏi thận, thận ứ nước, sỏi niệu quản...

Sốc NK không được điều trị tốt, sẽ kéo dài tình trạng giảm lưu lượng tuần hoàn và thiếu oxy tổ chức, gây nhiều thương tổn và biến chứng ở nhiều cơ quan của cơ thể:  Tim (sẽ bị suy tim cấp, nhồi máu cơ tim); Thận (viêm thận cấp, ống thận có thể bị hoại tử dẫn đến tình trạng thiếu niệu, hoặc vô niệu); Chảy máu do loét niêm mạc ống tiêu hóa hoặc hiện tượng đông máu rải rác trong lòng mạch (CIVD); Phổi: (Suy hô hấp cấp)... dễ dẫn đến tử vong.

Nếu sốc không được chẩn đoán và điều trị tích cực và kịp thời, tình trạng suy hô hấp tăng dần, tình trạng thiếu oxy càng gia tăng, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao trên 80% (Donald Smith). Tiên lượng sống phụ thuộc vào: số lượng các phủ tạng bị suy, cần phải hồi sức; Thời gian từ khi khởi phát sốc cho đến khi được điều trị; Đáp ứng của cơ thể với các điều trị triệu chứng; Tiến triển của điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa vào các ổ nhiễm khuẩn nguyên phát và các ổ nhiễm khuẩn thứ phát.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi.

Giải quyết tắc nghẽn, tránh đau dữ dội

Theo BSCKII Phạm Huy Huyên, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, trước 1 BN đang có sốc do sỏi niệu quản gây tắc nghẽn, vấn đề đặt ra là có cần can thiệp ngay để giải phóng chỗ tắc ngay hay chờ BN ổn định, thoát sốc mới tiến hành thủ thuật. Bởi các BN đều trong tình trạng rất nặng, phải thở máy, dùng các thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp và suy các tạng. Trước đây, thường là điều trị BN ổn định sau đó loại bỏ sỏi triệt để bằng tán sỏi qua da, laser hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới trên thế giới, đặt sonde JJ tạm thời giải phóng chỗ tắc ở các BN NK tiết niệu có sốc là một biện pháp tối ưu giúp BN ổn định nhanh hơn trước khi loại bỏ sỏi triệt để. Vì vậy, bệnh viện E đã đưa vào ứng dụng để cứu chữa cho BN.

Đặt sonde JJ là thủ thuật luồn một ống rỗng bằng nhựa dẻo được thiết kế đặc biệt vào niệu quản và đưa lên bể thận. Mục đích: Sonde JJ giúp nước tiểu có thể chảy từ thận xuống đến bàng quang. Bằng cách này, thận tiếp tục hoạt động và giảm tổn thương do tắc nghẽn, đồng thời tránh những cơn đau quặn dữ dội khi thận không được dẫn lưu tốt, đồng thời bảo vệ niệu quản, giúp niệu quản lành vết thương. Hơn nữa, đặt sonde JJ có thể giúp niệu quản giãn rộng, giúp các tiếp cận vào niệu quản dễ thành công hơn.

Theo Đời sống
back to top