Nội soi nạo vét hạch cổ ung thư tuyến giáp

Bằng phẫu thuật nội soi, các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết T.Ư không chỉ cắt được khối ung thư tuyến giáp (UTTG) mà còn thực hiện được kỹ thuật vô cùng khó: Vét hạch. Điều này vừa giúp bệnh nhân tránh được sẹo xấu, ít biến chứng, giảm tái phát và giảm được liều điều trị i ốt phóng xạ.

Ung thư tuyến giáp

Tỷ lệ di căn hạch 45%

Chị Nguyễn Thị Huyền (25 tuổi ở Hà Nội) bị UTTG 4cm đã di căn hạch. Thay vì mổ mở với vết mổ xấu gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ tại cổ, các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi đường nách lấy toàn bộ tổ chức tuyến giáp (TG), vét hạch trung tâm và hạch hai bên. Sau mổ dây thần kinh thanh quản và tuyến cận giáp của chị vẫn được bảo tồn tốt, không bị tổn thương. Chị bình phục khỏe mạnh.

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, TG là tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ phía trước và dưới. Nhiệm vụ chính của TG là tiết ra hormon vào trong máu và được vận chuyển tới từng mô trong cơ thể. Hormon TG giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, làm cho não, tim, các cơ và nhiều cơ quan khác làm việc trong trạng thái ổn định.

UTTG là một bệnh mà các tế bào ung thư có thể được tìm thấy trong các mô TG. Các tế bào ung thư có thể xâm nhập và phá hủy các mô, các cơ quan ở gần, có thể tách khỏi các nhân ác tính để xâm nhập vào dòng máu và hệ thống bạch mạch. Đây là cơ chế để UTTG lan tràn từ ung thư nguồn gốc (u nguyên phát) để tạo thành một khối u mới trong các cơ quan khác.

Theo ThS Phan Hoàng Hiệp, Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết T.Ư, UTTG có thể gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi với 2 đỉnh cao: 7 – 20 tuổi và khoảng 40 – 65. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của TG vẫn trong giới hạn bình thường. Nhân TG chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc CT khi đi khám những bệnh khác không mấy liên quan đến TG.

Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện thấy u vùng cổ khi soi gương, đóng khuy cổ áo hoặc đeo dây truyền. Rất hiếm khi ung thư hoặc nhân TG có thể gây triệu chứng, một vài trường hợp có biểu hiện đau cổ, hàm hoặc tai. Khi nhân TG đủ lớn nó có thể chèn ép vào thực quản hoặc khí quản gây ra cảm giác nuốt vướng, khó thở hoặc cảm giác “mắc ở cổ họng’’.

Ít gặp hơn bệnh nhân có thể bị khàn tiếng do u chèn ép vào dây thần kinh điều khiển giọng nói. Bệnh thường gây di căn hạch với tỷ lệ cao 45%. Việc phát hiện hạch rất quan trọng không chỉ mang tính chất chẩn đoán mà còn dựa vào đó để vét hạch, tỷ lệ hạch dương tính sau mổ chiếm tỷ lệ 93,2%, mối tương quan giữa hạch sờ thấy trên lâm sàng và kết quả mô bệnh học cho thấy 95,2%, hạch sờ thấy trên lâm sàng có di căn thực sự, chỉ có ²,8% không di căn.

Không biến chứng và ít tái phát

ThS Phan Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hạch di căn trong UTTG thể biệt hóa có thể điều trị bằng iốt phóng xạ. Kỹ thuật nạo vét hạch vùng cổ là một kỹ thuật khó ngay cả trong phẫu thuật mở, liên quan trực tiếp đến bó cảnh, khí quản và thực quản. Tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược và tuyến cận giáp là dễ mắc phải.

Chính các lý do trên nên các phẫu thuật viên không đưa ra chỉ định nạo vét hạch một cách hệ thống, mà phụ thuộc vào quan điểm của mỗi phẫu thuật viên. Thực tế, trên thế giới mới chỉ có một số trung tâm thực hiện phẫu thuật nội soi UTTG và trên thế giới các phẫu thuật viên cũng mới chỉ lấy hạch ở khoang trung tâm. Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã nội soi cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch theo nhóm ở khoang trung tâm và khoang bên.

ThS Phan Hoàng Hiệp cho biết thêm, để nạo vét hạch nội soi an toàn, sau khi phẫu thuật nội soi với đường vào từ nách, sử dụng ống kính soi 0 độ cắt thùy tuyến giáp, sau đó thay ống kính soi 30 độ để có góc nhìn rộng về phía dưới các hạch cạnh khí quản, trên xương đòn và sau cõ ức đòn chũm. Để nạo vét hạch phải phẫu tích bóc tách toàn bộ các dây thần kinh sau đó mới dùng dao siêu âm lấy toàn bộ tổ chức mỡ và các hạch kèm theo.

Chẳng hạn, tại khoang trung tâm, phải tách bộc lộ được toàn bộ dây thần kinh thanh quản để đảm bảo an toàn cho dây, trách cho bệnh nhân mất tiếng sau phẫu thuật. Với hạch khoang bên, phải phẫu tích cơ ức đòn chũm ra khỏi các cơ ức giáp, ức móng và cơ giáp móng… Nhờ vậy mà sau mổ không có bệnh nhân nào nói khàn hay tê tay chân vĩnh viễn, số lần phải điều trị, lượng I ốt phóng xạ phải dùng ít… Bệnh phát hiện sớm và điều trị đúng quy trình thì thời gian sống thêm sau 10 năm là 90%, 20 năm là 70 – 75%.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top